Nông dân tăng thu nhập nhờ đưa màu xuống chân ruộng.
Cũng như những năm trước, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân, nhiều bà con trên địa bàn xã Thạnh Thới Thuận đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa màu xuống chân ruộng nhằm thay thế cây lúa vụ 3; cách làm này nhằm khắc phục tình trạng lãng phí đất.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Thới Thuận Nguyễn Văn Đạt phấn khởi cho biết: “Trung bình mỗi năm, toàn xã xuống giống được hơn 125ha màu các loại, nếu trúng mùa - được giá, ước tính lợi nhuận thu về vài triệu đồng/công. Vụ 3 năm nay, bà con đưa màu xuống chân ruộng gần 6ha. Hiệu quả như vậy đã giúp nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả, sang năm chắc diện tích trồng màu sẽ tăng lên”.
Trong các cây màu thì đậu bắp vẫn là cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở ấp Thạnh Phú. Đây là loại cây ngắn ngày nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác. Những rẫy đậu bắp xanh mướt nằm đan xen trên những cánh đồng khô còn trơ gốc rạ như làm dịu đi cái nắng gay gắt của buổi chiều cuối tháng 4.
Theo cùng Phó Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Phú Võ Văn Dũng, chúng tôi ra thăm những ruộng đậu bắp bạt ngàn đang cho thu hoạch rộ. Chú Dũng hồ hởi khoe: “Cây đậu bắp được bà con trong ấp duy trì trồng từ lâu vì đây là cây ngắn ngày, chỉ hơn 1 tháng là cho thu hoạch. Trồng đậu bắp không khó, bà con chỉ cần chia sẻ kinh nghiệm với nhau là biết cách trồng. Mùa này ra ruộng chỉ thấy bà con tưới nước, làm cỏ và hái đậu bắp để cân cho thương lái tại địa phương”.
Trồng màu mà đặc biệt là cây đậu bắp cho thu nhập mỗi ngày nên bà con ai cũng phấn khởi. Anh Lý Văn Nuôi vui vẻ cho biết: “Tôi trồng đậu bắp lâu rồi nhưng ngày đó chỉ trồng trên bờ kênh. Sau này, thấy nhiều bà con đưa đậu bắp xuống chân ruộng nên tôi mới trồng được 2 năm nay. Gia đình có 3 công ruộng, ngoài 2 vụ lúa chính, vụ 3 tôi trồng 2 công đậu bắp. Tôi bắt đầu bỏ hột vào cuối tháng 12 (âm lịch) năm 2017 nhưng đến thời điểm này, đậu bắp vẫn xanh tốt và cho trái nhiều. Với 2 công đậu bắp, mỗi ngày thu hoạch khoảng 50kg - 80kg, giá bán dao động từ 5.000 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg”.
Anh Nuôi nhẩm tính, tổng thu từ 2 công đậu bắp sau khi trừ chi phí cũng còn trên 20 triệu đồng. Với hiệu quả như hiện nay, anh Nuôi dự tính sang năm sẽ dành hết diện tích đất lúa để trồng đậu bắp.
Kế bên rẫy đậu bắp của anh Nuôi là 4 công (tầm lớn) đậu bắp của anh Lê Thanh Điền. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng anh Điền đang làm cỏ và thu hoạch đậu bắp. Trao đổi với chúng tôi, anh Điền chân tình bộc bạch: “Vụ đậu bắp trước trồng có 2 công nhưng lời 25 triệu đồng. Thấy đậu bắp dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao nên năm nay tôi trồng 4 công. Kinh nghiệm năm nay cho thấy, khi thu hoạch lúa xong không cần cày xới vì khi đó đất còn ẩm chỉ việc giăng dây rồi bỏ hạt, không phải lên liếp nên khỏe re. Lúc mới trồng thì phải tưới nước ngày 3 cữ, nhưng bây giờ chỉ tưới 2 cữ sáng và chiều, nước ngay kênh nên rất tiện”.
Tuy mới thu hoạch từ giữa tháng giêng đến nay nhưng anh Điền đã thu trên 1 tấn đậu bắp, lời trên 8 triệu đồng. Dự tính 4 công đậu bắp này, nếu giá cả ổn định như hiện nay thì anh Điền cũng thu về trên 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Buổi chiều khi ánh nắng dần tắt nhưng tiếng nói cười của bà con trên những rẫy đậu bắp vẫn còn rộn rã. Chỉ tay về những rẫy đậu bắp ở phía xa, chú Võ Văn Dũng trăn trở: “Giá như cây màu nói chung, đậu bắp nói riêng có đầu ra ổn định hơn thì bà con sẽ yên tâm mở rộng diện tích sản xuất để tăng nguồn thu nhập”. Có lẽ những lo lắng về “đầu ra” của chú Dũng cũng là bài toán chung đang cần lời giải.
Từ những thành công của cây màu nói chung và cây đậu bắp nói riêng khi đưa xuống chân ruộng lúa vụ 3 sẽ giúp bà con ổn định sản xuất và là giải pháp thích ứng trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn