Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi ghé thăm Đỗ Phúc Thịnh ở thôn Tân Trúc (Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị) khi nghe được nhiều lời khen về chàng trai này có trang trại nuôi lợn Thái Lan hiệu quả.
Thịnh có dáng người nhỏ, nước da đen. Điều khiến chúng tôi ấn tượng và cảm tình là nụ cười luôn nở trên môi chàng trai này.
Đỗ Phúc Thịnh là chàng 9X được nhiều người biết đến với đức tính cần cù, chịu khó, biết làm ăn. Ảnh: Ngọc Vũ
Gạt giọt mồ hôi, Thịnh kể, sau khi học xong THPT đã dành 2 năm theo học Trung cấp sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị. Ra trường, Thịnh lấm lem dầu mỡ một thời gian ở các tiệm gara ô tô nhưng cuộc sống quá bấp bênh, thu nhập thấp nên quyết định bỏ nghề.
Không có việc làm, Thịnh theo chân các công nhân của một công ty chuyên xây dựng những công trình cấp nước cho dân bản rong ruỗi nhiều nơi trên đất nước. Và duyên số đến với Thịnh vào năm 2015, khi chàng trai này làm việc ở tỉnh Hòa Bình thì bắt gặp nhiều mô hình nuôi lợn rừng Thái Lan có hiệu quả.
Thịnh cho hay, được cơ hội đi nhiều, gặp nhiều mô hình hiệu quả nhưng quyết định chọn nuôi lợn rừng Thái Lan bởi loài này có sức đề kháng cao, phù hợp với khi hậu khắc nghiệt của Quảng Trị.
Đàn lợn rừng Thái Lan giúp Thịnh có thu nhập khá cao. Ảnh: Ngọc Vũ
Cuối năm 2015, Thịnh quyết định nghỉ việc lần 2 để dấn thân vào con đường nông nghiệp. Việc trước tiên Thịnh trở lại tỉnh Hòa Bình, tìm đến một số trang trại xin làm không công để học nuôi lợn rừng Thái Lan.
Đến tháng 6.2016, Thịnh dùng 60 triệu đồng tiền dành dụm được xây chuồng trại, mua 9 con lợn rừng giống (2 đực, 7 cái) mang từ tỉnh Hòa Bình về quê nuôi.
Thịnh cho hay, mỗi năm loại lợn này đẻ được 2,5 lứa, mỗi lứa từ 7-8 con. Sức đề kháng của lợn tốt, tạp ăn. Lợn rừng Thái Lan dường như chỉ có hai bệnh đau bụng và ho nhưng Thịnh đã có cách điều trị. Khi lợn đau bụng Thịnh cho ăn lá ổi, lá ngọc hoàng, còn khi bị ho thì cho ăn lá chè khổng lồ.
Thịnh trồng khoai, chuối, thu mua xác cây ngô, vỏ đậu phộng… xay nhuyễn với lúa rồi ủ men vi sinh cho lợn ăn kết hợp với cỏ voi, củ quả các loại. Trung bình, mỗi ngày với 40 con lợn to nhỏ tiêu tốn khoảng 15 - 20kg thức ăn, trị giá khoảng 75.000 – 100.000 đồng/ngày.
Lợn rừng Thái Lan được thị trường ưa chuộng vì thịt ngon. Khi xuất bán, mỗi con lợn rừng nặng khoảng 18 - 20kg. Ảnh: Ngọc Vũ
Sau 5 tháng nuôi, lợn có trọng lượng từ 16 – 20kg, với giá bán 120.000 đồng/kg thì mỗi con lợn Thịnh bán được 2 – 2,4 triệu đồng. Riêng năm 2017, sau khi để lại gây giống, Thịnh bán ra thị trường 60 con lợn, trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Phân lợn rừng từ trại nuôi của Thịnh còn được một công ty ở TP.Đà Nẵng thu mua để trồng rau sạch.
Mới đây, được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Cam Lộ cho vay 50 triệu đồng, Thịnh quyết định mở rộng chuồng trại nuôi lợn rừng và mua giống gà đá Bình Định về nuôi, hứa hẹn cho hiệu quả cao.
“Mình đang xin chính quyền cho thuê đất để mở rộng quy mô nuôi lợn rừng lên 300 đến 400 con mỗi năm. Mình nghĩ trong thời kỳ việc làm khó khăn như hiện nay, các bạn trẻ nếu có đam mê làm nông nghiệp thì nên mạnh dạn dấn thân, chăm chỉ làm việc sẽ gặt hái trái ngọt. Bởi lẽ, đằng sau các bạn còn có chính quyền, ngân hàng động viên, cho vay vốn làm ăn” – Thịnh chia sẻ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn