Mảnh đất nào cằn cỗi người ta bỏ hoang thì anh mua để trồng cây. Màu xanh của cây là khát vọng của đất, khát vọng của người…
Cách đây mấy năm, tôi theo đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái kiểm tra con đường xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng châu Á, nối thị trấn Yên Thế huyện lỵ Lục Yên lên xã Khánh Thiện, tình cờ gặp Mai Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Sơn Tùng ở đây. Một người còn rất trẻ chẳng ra dáng giám đốc, bởi anh nói năng nhẹ nhàng giống trí thức hơn là ông giám đốc xây dựng ăn nói bặm trợn, văng mạng mà tôi thường gặp.
Mai Thanh Tùng trên đồi cam mới trồng |
Xã Khánh Thiện giáp huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, từ đó sang Phố Cáo khoảng chục cây số, nhưng đường rất khó đi. Con đường mở ra thuận lợi cho người dân giáp ranh hai tỉnh, năm 2014, 2015 hàng trăm xe tải chở gạo xuất khẩu sang Trung Quốc né trạm cân đặt tại Km 14 huyện Yên Bình, ngược Tuyên Quang đi qua Phố Cáo sang thị trấn Yên Thế rồi vòng ra quốc lộ 70 lên Lào Cai.
Những chiếc xe tải nặng 80-100 tấn hằng đêm cày nát con đường nhỏ bé khiến người dân vô cùng bức xúc. Công ty Tùng Sơn tham gia xây dựng con đường này, tải trọng thiết kế 13 tấn, không thể chịu nổi từng đoàn xe trọng tải lớn ngày đêm qua đây, anh phải nhờ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới ngăn chặn được những đoàn xe khủng.
Ông Hoàng Văn Đại, thôn Hua Tông, xã Khánh Thiện thành thật: Con đường qua nhà tôi trước đây là đường đất, xe chạy nát bét, hễ trời mưa xuống thì lầy lội không muốn bước chân ra đường. Trước đây đường được rải đá, nhưng cũng chỉ đi được một hai năm thì hỏng. Nhân dân kiến nghị mãi Nhà nước mới xây dựng con đường này. Khi Công ty Sơn Tùng khởi công tháng 9/2013 hơn bốn chục gia đình bà con ở đây không ai đòi tiền đền bù. Vì xây dựng con đường cho bà con đi, mình mất tí đất có gì mà kêu ca… Mai Thanh Tùng bảo: Giải phóng đất đai là bước khó khăn nhất của mọi công trình xây dựng. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ thì mọi khó khăn đều được giải quyết…
Đồi cam sẽ che khuất những mỏ đá trắng trong tương lai |
Tôi chú ý tới Tùng từ câu nói đó, thật ngạc nhiên khi biết anh đã đổ ba, bốn chục tỷ để mua đất trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam và bưởi. Lục Yên từ lâu nổi tiếng là vùng đất đá đỏ, nhưng nơi đây cũng là vùng cam sành lừng danh.
Chiều muộn tôi theo anh lên trang trại cam nhìn xuống thị trấn Yên Thế. Kẹp giữa đồi cam rộng 8 ha là hai khu mỏ khai thác đá trắng, trong đó một mỏ của công ty Bảo Lai, xe máy đang chạy rầm rầm. Anh cho hay: Trước đây khu đất này chủ yếu là lau chít, đất cằn đến nỗi khi máy ủi đất san các đường lô chỉ thấy toàn sỏi đá. Có người bảo tôi mua khu đất này với giá cắt cổ, năm mươi triệu một héc-ta là tính chuyện làm mỏ chứ trồng cấy gì. Thấy tôi dẫn nước lên đồi trồng cam, bây giờ thì cam đã ra quả thì họ mới thật tin…
Một góc vườn cam Mai Thanh Tùng mua lại của người dân |
Không chỉ thế, anh sang tận Hà Giang mua những đồi cam cằn cồi của nhiều hộ dân ngót sáu chục héc-ta, người ta lại được một mẻ cười vì sự khờ dại và liều lĩnh của anh. Người Hà Giang chẳng dại gì đem bán đồi cam nếu những đồi cam ấy không có khuyết tật gì đó. Anh mời chuyên gia và những người trồng cam có kinh nghiệm đánh giá vì sao những đồi cam kia cho thu nhập thấp. Câu trả lời thật đơn giản: Cam đói! Hàng trăm tấn phân bón được vận chuyển lên đồi, rừng cam được hồi sinh trở lại. Lại là giống cam chín muộn, tháng 4-5 khi mùa cam đã hết thì đồi cam của gia đình anh cho thu hoạch, thương lái lên tận đồi thuê người hái. Vụ cam năm nay anh dự kiến thu hơn 300 tấn, bán giá rẻ 15.000đ/kg, thì cũng thu trên 4 tỷ đồng.
Tôi hỏi Tùng: Bây giờ gia đình mình có bao nhiêu ha cam và bưởi? Anh lẩm nhẩm rồi đáp: Tại huyện Lục Yên có khoảng 58 ha, còn huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang 54 ha, ngoài ra một số diện tích nhỏ chưa tính… Với diện tích hơn 100 ha cam như vậy Mai Thanh Tùng đang trở thành đại gia cam lớn nhất tỉnh Yên Bái.
Anh dự kiến xây dựng thương hiệu cam sạch mang tên Sơn Tùng, nên quyết định đầu tư một trang trại trâu bò nhằm chủ động nguồn phân bón và giải quyết công ăn việc làm cho số công nhân của công ty khi công việc xây dựng mỗi ngày một ít.
Thì ra là vậy, trại trâu bò mà sáng nay Hoàng Duy Tiến - Phó giám đốc Công ty Sơn Tùng dẫn tôi xem được đầu tư hơn 10 tỷ đồng trên diện tích 20 ha tại xã Hồng Quang. Đây là trại chăn nuôi trâu bò quy mô 500 con hiện đại nhất tỉnh Yên Bái do một công ty xây dựng đầu tư cũng là sự lạ.
Sau những giờ trên công trường xây dựng Tùng lại lên những đồi cam, anh chỉ những cành cam úa vàng bảo: Đây là cây cam thiếu dinh dưỡng, còn đây là sâu vè bùa… Anh vạch gốc cam chỉ lớp vỏ lạc đang mục bảo: Đất quá cằn cỗi và chai cứng, chúng tôi phải mua hàng chục tấn vỏ lạc để tạo độ mùn. Vụ tới, ngoài việc bón các loại phân hữu cơ chúng tôi còn sử dụng nước đậu ngâm với cá để tưới cho cam, dùng tấm ni lon phủ quanh gốc để chống cỏ dại và bay hơi nước. Phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để tạo ra sản phẩm cam chất lượng cao. Chỉ có thế, cam Sơn Tùng mới bước vào được các siêu thị và đến được các thị trường lớn…
Trại trâu, bò nơi cung cấp nguồn phân hữu cơ cho rừng cam |
Tôi nhìn theo tay anh chỉ, những đồi cam bát ngát đang lên xanh. Có lẽ chỉ vài năm nữa nơi đây sẽ là rừng cam trĩu quả. Đó là khát vọng của đất, khát vọng của một con người. Người ấy là Mai Thanh Tùng.
Tôi hỏi: Sao anh không đầu tư vào các mỏ đá trắng mà lại đầu tư vào cây? Tùng đáp: Tôi yêu đất và yêu cây. Mỏ khai thác một thời gian thì hết, trồng cây thì mãi mãi còn. Chính vì thế mà tôi thấy chỗ đất nào bà con bỏ hoang, không trồng nổi cây gì thì tôi mua…Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn