Trên 70% tuyến đường liên thôn xuống cấp nghiêm trọng. |
Là xã vùng 3, xuất phát điểm của Nậm Lúc khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới rất thấp, kinh tế chậm phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn... Ông Giàng Seo Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lúc cho biết: Hiện, xã có 678 hộ với trên 3.200 khẩu, sinh sống ở 13 thôn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63%. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều cải thiện. Chính quyền xã tranh thủ huy động, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn; tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của để đầu tư làm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nhà văn hóa… Tuy nhiên, nội lực của địa phương có hạn, bởi vậy, kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hằng năm.
Được biết, đến nay Nậm Lúc đã hoàn thành 6 tiêu chí: Quy hoạch, thủy lợi, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Cũng như các xã vùng cao khác, việc thực hiện các tiêu chí như giao thông, thu nhập, nhà ở dân cư, điện, môi trường và an toàn thực phẩm… còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí giao thông, bởi địa hình xã bị chia cắt mạnh, chủ yếu là đồi núi. Hiện, toàn xã có 45 km đường trục xã, nhưng chỉ có 8,9 km đường được bê tông, cứng hóa. Nhiều tuyến đường liên thôn chưa được xây dựng, nên sau mỗi trận mưa lũ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến việc đi lại, giao thương của người dân khó khăn. Muốn hoàn thành được tiêu chí giao thông, xã phải đổ bê tông trên 30 km đường trục xã, liên thôn, trong khi đó mật độ dân cư thưa thớt, tuyến đường liên thôn dài, việc làm đường đòi hỏi kinh phí rất lớn.
Không chỉ tháo “nút thắt” về giao thông, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và điện cũng là những vấn đề mà chính quyền xã phải giải quyết. Cơ cấu kinh tế của địa phương vẫn chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó, quế được xác định là cây chủ lực. Tuy nhiên, nguy cơ “vỡ” quy hoạch trồng quế khiến địa phương gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thêm vào đó, các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, các mô hình kinh tế hiệu quả cũng như đào tạo nghề cho lao động, phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã còn hạn chế. Do đó, việc cải thiện thu nhập cho người dân là rất khó, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 10 triệu đồng/năm. Toàn xã có 7/13 thôn với 416/678 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, trong đó 32 hộ ở thôn Nậm Lầy tự kéo điện, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tiêu chí trường học cũng được xã đánh giá là tiêu chí khó, bởi đến nay, cơ sở vật chất của các trường học chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Ông Giàng Seo Vàng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân xã Nậm Lúc phấn đấu thực hiện các tiêu chí đặt ra cho từng giai đoạn, duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn. Về mục tiêu những tháng cuối năm 2017, xã tiếp tục thực hiện bê tông hóa tuyến đường ở 2 thôn Nậm Nhù và Nà Cảng với tổng chiều dài 3,5 km; làm mới 3 nhà văn hóa thôn (Nậm Tông, Nậm Nhù và Nậm Chàm); tăng thu nhập bình quân lên 11 triệu đồng/người/năm…
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, xã Nậm Lúc sẽ có thêm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Theo Kiều Thu/Lào Cai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn