Anh Nhân đóng gói phôi giống trước khi đưa vào nồi áp suất thanh trùng
Ấp ủ ước mơ đem kiến thức được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, sau 2 năm tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, năm 2012 anh Trần Trường Nhân quyết định trồng thử nghiệm mô hình nấm linh chi trên diện tích 20m2.
Đây là loại nấm đòi hỏi kỹ thuật khắt khe, sản xuất theo quy trình chuỗi khép kín. Sau khi nắm được đặc tính và quy trình sản xuất nấm, anh Nhân mở rộng diện tích trồng nấm lên 210m2.
Khi mới trồng thử nghiệm, anh Nhân mua phôi nấm có sẵn trên thị trường nên chất lượng không cao, tỷ lệ hao hụt nhiều, lãi ít. Với niềm đam mê và quyết tâm làm giàu từ cây nấm, anh Nhân chủ động thực hiện tất cả các bước từ khi cấy phôi đến phơi sấy nấm thành phẩm nên giảm được tỷ lệ hao hụt, chất lượng nấm tốt, lãi nhiều.
Để nấm đạt năng suất, dược liệu cao đòi hỏi giống tốt, nguyên liệu sạch, không mủ, không độc hại. Và nguyên liệu mùn cưa cao su đáp ứng được yêu cầu trên. Sau khi xử lý nguyên liệu, thêm phụ gia, đóng gói, nguyên liệu bịch phôi được thanh trùng bằng nồi áp suất với nhiệt độ 100 độ C trong thời gian 8 tiếng. Sau đó, được đưa vào nhà cấy giống khoảng 7 ngày thì đem ra trại ươm.
Bình quân mỗi trại anh Nhân trồng được 9.000 bịch phôi giống. Quy trình trồng nấm từ khi cấy phôi đến khi nấm trưởng thành thu hoạch khoảng 4,5 tháng. Lúc đó, mặt trên của nấm có lớp bào tử, là thành phần có tinh chất dược liệu rất quý. Mỗi năm anh Nhân trồng được 2 đợt, thu hoạch khoảng 360kg nấm khô. So với thị trường, giá nấm linh chi của anh Nhân bán cho khách hàng thường thấp hơn, khoảng 700 ngàn đồng/kg. Thông thường, mỗi bịch phôi giống có thể thu hoạch được 3 lần, tuy nhiên, để đảm bảo dược tính trong nấm, anh Nhân chỉ thu hoạch 1 lần.
Bên cạnh nấm linh chi, anh Nhân còn trồng nấm bào ngư xám. So với nấm linh chi, nấm bào ngư dễ trồng hơn nhưng giá thành thấp hơn. Mỗi năm, anh Nhân trồng 3 đợt nấm bào ngư xám. Trừ chi phí, còn lãi trên 50 triệu đồng.
Kỹ sư Trần Trường Nhân kiểm tra sự phát triển của nấm linh chi
“Tất cả các công đoạn trồng nấm phải vô trùng bằng đèn cồn, nguồn nước tưới cũng phải đảm bảo sạch. Trại trồng nấm hạn chế côn trùng. Đến thu hoạch nấm phải sấy ở nhiệt độ thích hợp nhằm đảm bảo hàm lượng dược liệu”, anh Nhân chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm linh chi.
Yếu tố quan trọng trong kỹ thuật trồng nấm linh chi và bào ngư xám đều đòi hỏi chất lượng giống tốt, nhiệt độ dao động từ 25 - 27 độ C, độ ẩm từ 85 - 95%, ánh sáng khuếch tán. Tuyệt đối không được di chuyển nên người trồng phải ổn định phôi nấm từ khi cấy giống đến khi thu hoạch. Để giữ thương hiệu và uy tín với khách hàng, trong quá trình trồng nấm, anh Nhân hoàn toàn không được sử dụng thuốc BVTV. Khi phát hiện bịch phôi bị nấm mốc thì phải loại bỏ khỏi trại ngay để tránh lây lan. Ngoài ra, trại trồng nấm phải lợp bằng lá dừa nước, bao quanh bằng lớp giấy bạc.
Nguồn phế thải sau khi thu hoạch 2 loại nấm còn được anh Nhân tận dụng làm nguyên liệu bịch phôi để sản xuất nấm rơm.
Ông Trương Huỳnh Lãm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nhận định về triển vọng mô hình trồng nấm linh chi: “Đây là mô hình mang tính chất tiềm năng và mang lại thu nhập khá cho bà con. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đầu ra sản phẩm do giá thành khá cao. Thời gian tới, địa phương cũng tạo điều kiện để người trồng nấm sản xuất được số lượng lớn hơn, đầu ra được ổn định hơn”.
Mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư của kỹ sư Trần Trường Nhân không chỉ hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp bền vững mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người dân ở địa phương khi anh nhiệt tình chuyển giao khoa học kỹ thuật để thành lập các Tổ hợp tác sản xuất nấm cho các địa phương khác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn