Tiềm năng lớn
Cánh đồng "chó ngáp" là tên gọi chung chỉ những vùng đất phèn mặn có một thời hoang sơ, khó canh tác nông nghiệp. Tại vùng đất thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), cỏ năn, cỏ lác mọc đầy đến bụng trâu xưa kia, nay được người dân đánh thức khi nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Nhiều hộ đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá chình thương phẩm, góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm ra hướng làm giàu tại vùng đất cằn cỗi này.
Nhìn cánh đồng rộng lớn, sau nhiều năm bỏ trống do sản xuất kém hiệu quả, ông Huỳnh Văn Tuấn (ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A) nhận thấy đây có thể là vùng đất tiềm năng cho phát triển kinh tế gia đình. Ông đã dành thời gian dài đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá chình ở một số tỉnh ven biển ĐBSCL. Sau 5 năm thử nghiệm, giờ đây ông Tuấn đã nuôi thành công cá chình thương phẩm, mỗi năm cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Đây là mô hình sản xuất khá mới, sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị khá cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Tuấn, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên có giá trị thấp như cá phi, ốc bươu vàng... Mặt khác, đây là vùng đất trũng, phèn mặn rất phù hợp nuôi cá chình. Ông Tuấn thường chọn mua cá chình giống có trọng lượng 2 - 3 con/kg; sau 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 4 - 6 kg/con. Cá chình thương phẩm đạt kích cỡ lớn, bán ra thị trường được thương lái mua với giá 450.000 - 550.000 đồng/kg. Đến kỳ thu hoạch sẽ có thương lái đến tận ao mua, người dân có thể yên tâm về thị trường tiêu thụ.
Thu hoạch cá chình nuôi thương phẩm ở huyện Hồng Dân - Ảnh: Phan Thanh Cường
Từ mô hình nuôi cá chình thương phẩm của hộ ông Huỳnh Văn Tuấn đem lại hiệu quả cao, cả trăm hộ dân các xã Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Hòa, Vĩnh Lộc… bắt đầu nhân rộng, qua nhiều vụ đều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết, thức ăn cho cá chình chủ yếu là nguồn cá rô phi có sẵn được khai thác trong thiên nhiên, với giá 5.000 đồng/kg. Do vậy, người nuôi cá chình có thể chủ động nguồn thức ăn cho cá. Bên cạnh đó, nuôi cá chình không chiếm diện tích mặt nước lớn nên những hộ ít đất vẫn có thể áp dụng. Mặt khác, kỹ thuật nuôi cá chình tương đối đơn giản, người dân chỉ cần qua một lần tập huấn hoặc tham quan trực tiếp một mô hình nuôi thử nghiệm là có thể áp dụng được. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của người nuôi là nguồn cá giống còn phụ thuộc thiên nhiên. Từ đó, nông dân thường gặp cảnh khan hiếm con giống do cung chưa đủ cầu.
Cần thị trường ổn định
Mới đây, ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân đã sang tận Hàn Quốc tìm thị trường tiêu thụ cá chình nuôi thương phẩm, bảo đảm đầu ra cho người nuôi. Ngày 23/9, ông Jun Yang Bok, Tổng Giám đốc Công ty Seli Susan có 45 năm chuyên nuôi và chế biến cá chình thương phẩm ở Hàn Quốc, đã làm việc với đại diện ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, cùng xúc tiến xây dựng một nhà máy chế biến; tạo vùng nuôi cá chình công nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu trên địa bàn huyện Hồng Dân. Công ty sẽ cung cấp nguồn cá chình giống, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình nuôi cá chình thương phẩm cho nông dân.
Đã nhiều lần khảo sát một số địa phương có nuôi cá chình ở Việt Nam, ông Jun Yang Bok đánh giá: Điều kiện tự nhiên vùng đất lung trũng, phèn mặn của Hồng Dân rất thích hợp nuôi cá chình thương phẩm để xuất khẩu, giá trị kinh tế cao. Công ty Seli Susan sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, xuất khẩu cá chình có công suất 1 tấn thành phẩm/ngày; đồng thời sẽ bao tiêu sản phẩm cá chình trong dân. Công ty có thị trường xuất khẩu cá chình rộng lớn Hàn Quốc, EU, Bắc Mỹ…
>> Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Hồng Dân: Cá chình đã trở thành loại thủy sản giá trị cao, đầu ra tương đối ổn định, nhu cầu thị trường gần như quanh năm. Nhiều nơi ở huyện Hồng Dân có nguồn nước lợ với độ mặn 3 - 4‰, rất thích hợp cho cá chình phát triển, lớn nhanh, ít bệnh, tỷ lệ đạt đầu con cao. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn