Anh Đoàn Kim Sơn ở xã Tân Xuân, Hóc Môn lãi đến 300 triệu đồng một tháng nhờ nuôi lươn không bùn. Mỗi ngày anh xuất ra thị trường 3-4 tấn lươn với giá từ 140.000 đồng/kg.
Anh Đoàn Kim Sơn, 34 tuổi, giảng viên Đại học Nông lâm TP.HCM là chủ trang trại Sơn Ca (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Anh Sơn là một trong những người áp dụng thành công mô hình nuôi lươn không bùn đầu tiên tại Sài Gòn.
Anh Sơn chia sẻ: Năm 2001, anh bắt đầu nuôi lươn trong bể bùn nhưng không mang lại hiệu quả do tốn nhiều công sức, không đảm bảo môi trường. Năm 2007, anh về mở trang trại nuôi lươn tại Hóc Môn. Ban đầu anh nuôi chúng trong bể có lục bình, tuy nhiên cách này rất khó thay nước. Rồi anh lại thử nghiệm nuôi trong bể có dây nylon, bằng việc thả gạch ống xuống bể... nhưng đều không thành công. Cuối cùng anh chăm sóc loài vật này trên những vỉ tre khô trong các bể xi măng và đã thành công.
Hiện nay, trang trại của anh có tổng 90 hồ nuôi lươn với diện tích khoảng 3.600 m2. Diện tích mỗi hồ trung bình từ 4 - 20m2, mực nước khoảng 30 - 40 cm, bên trên hồ được lắp đặt bằng mái che bằng tôn.
Tự mày mòn và nghiên cứu, mới đây anh Sơn thực hiện thành công quy trình sản xuất giống lươn đồng, cho ra đời thế hệ con giống mới, sạch bệnh, chủ động cung cấp con giống cho nhiều địa phương trong cả nước.
Sau mỗi lần cho ăn, anh phải thay nước thường xuyên để lươn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh hơn.
Nuôi lươn trên vỉ tre là cách làm mới và hiệu quả cao; cách nuôi này không gây ô nhiễm môi trường, giảm công chăm sóc, dễ kiểm tra, đàn lươn khỏe mạnh, mau lớn hơn.
Để chủ động nguồn thức ăn cho lươn nuôi, anh đã tự nghiên cứu và sản xuất thành công bột cám dành cho lươn.
Vừa sản xuất lươn, anh Sơn vừa thu mua lươn của bà con nông dân. Mỗi ngày trang trại của anh xuất ra thị trường 3-4 tấn lươn, giá dao động từ 140.000 đồng đến 150.000 đồng/kg.
Anh Sơn đầu tư hệ thống hồ khoảng 1 tỷ đồng, đầu tư mua giống lươn khoảng 4 tỷ đồng. Mỗi năm anh Sơn sản xuất được 40 tấn lươn, bán ra thị trường 28 tấn và để nuôi lai tạo giống khoảng 12 tấn.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Sơn đã giúp nông dân có cách làm mới, tiết kiệm chi phí, rút ngắn được thời gian nuôi, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần so với cách nuôi truyền thống.
Mỗi nông dân khi muốn làm mô hình nuôi lươn không bùn thì sẽ được anh Sơn tư vấn chi tiết các kỹ thuật nuôi lươn, bán con giống cho bà con rồi sau đó thu mua lại.
Trong bể, ngoài hệ thống đường ống tiêu, thoát nước, ở giữa bể được đặt các vỉ tre chồng lên nhau làm chỗ để lươn bám vào. Trên các vỉ tre, hàng trăm con lươn cuộn mình vào nhau
Thức ăn chính của lươn là cám công nghiệp, cá, tôm nhỏ, ếch nhái xay nhỏ, có thể cho ăn thêm rau, bèo tây, mảnh vụn thực vật.
Theo tintucnongnghiep.com