Để có vốn đầu tư trồng lan, anh Trần Minh Hiếu đã vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và mượn thêm 50 triệu đồng từ cha mẹ, bạn bè. Thời gian đầu, anh trồng thử nghiệm rất nhiều loại lan.
Anh Hiếu cho biết: “Thời điểm làm thử nghiệm của tôi gặp khá nhiều khó khăn, do chưa tìm hiểu sâu kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc. Năm 2013, nhiều chậu lan trong vườn chết khi chưa kịp ra hoa. Năm đó, do lỗ hơn 50 triệu đồng nên tôi phải ngưng trồng, đi làm tiếp thị nước sơn để trang trải cuộc sống. Vì mê cái nghề trồng lan nên tôi vừa làm tích cóp vốn, vừa đi học kỹ thuật trồng, tìm kiếm thị trường để khôi phục vườn lan của mình”.
Trần Minh Hiếu đang chăm sóc vườn lan Denrobium thuần chủng.
Qua khảo sát thị trường và thực tế từ việc trồng lan bị ứ đọng không bán được, anh Hiếu đã triển khai mô hình “Gia công chăm sóc vườn lan”, nhận gia công chăm sóc những cây lan không bán được từ các cửa hàng. Sau 1 năm chăm sóc, anh giao lại lan cho khách hàng với thỏa thuận ăn chia 6/4 (nghĩa là anh trả cho chủ 6 cây, giữ lại 4 cây để chăm và bán lại cho khách). Bên cạnh đó, trong quá trình gia công, anh Hiếu còn có thu nhập từ việc cắt cành hoa bán cho các cửa hàng hoa. Mô hình “Gia công chăm sóc vườn lan” đạt giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013 của Báo Doanh nhân Sài Gòn.
Năm 2015, với nguồn vốn tiết kiệm cùng với việc vay mượn gia đình, bạn bè, anh Hiếu tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa lan. Lần này, anh chọn địa điểm trồng là ấp Thạnh An (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) vì địa hình, nguồn nước phù hợp. Hiện anh đang trồng 70.000 chậu phong lan thuần chủng Denrobium trên diện tích 3.000m2 và phân phối khắp thị trường phía Nam, mỗi năm anh thu khoảng 250-300 triệu đồng từ vườn hoa lan. Anh cũng vừa thuê 3ha đất nhằm mở rộng vườn phong lan của mình thành một trang trại tổng hợp trồng các loại hoa, quả …
Ngoài kỹ thuật truyền thống, anh Hiếu còn chú trọng nâng cao công nghệ trồng, chăm sóc phong lan. Mới đây anh đã đầu tư gần 300 triệu đồng mua hệ thống tưới, bón phân nhỏ giọt theo công nghệ Isarel nhằm nâng cao năng suất, tăng sức sống và độ tươi tắn của hoa.
Bên cạnh đem lại thu nhập cho bản thân, anh Hiếu còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho một số người dân địa phương, đặc biệt là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài 3 lao động làm việc cố định tại vườn lan với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng, anh nhận thêm 20-30 người làm việc thời vụ với thu nhập 250 ngàn đồng/người/ngày. Anh Trần Minh Hiếu còn là chủ nhiệm CLB Doanh nhân khởi nghiệp huyện Long Điền cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp tại địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn