Nhớ lại ngày bén duyên với kinh tế trang trại, Chính cho biết, nghề nuôi thỏ là một bước ngoặt quan trọng. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2003, với tấm bằng kỹ sư cơ khí, anh được một doanh nghiệp cùng ngành nhận vào làm việc. Công tác tại đó được 6 năm, sau khi được bổ nhiệm trưởng phòng một thời gian, Chính quyết định bỏ phố lên Hòa Vang mở trang trại.
Anh hồi tưởng lại, lúc đó chứng kiến một số người bạn cùng trang lứa ăn nên làm ra từ kinh tế trang trại, tôi nghĩ với mức lương 6-7 triệu đồng một tháng doanh nghiệp trả cho, không biết bao giờ mới khá lên nổi. "Sau nhiều ngày suy nghĩ đắn đo, tôi quyết định dồn hết vốn liếng đang có, vay mượn thêm gia đình, bạn bè mua đất ở Hòa Ninh lập trại", Chính trải lòng.
|
Trang trại thỏ hơn 1.000 con, doanh thu bạc tỷ mỗi năm của kỹ sư cơ khí Dương Văn Chính. |
Chính tiết lộ, tổng vốn đầu tư ban đầu cho khu trại khoảng 500 triệu đồng bao gồm chi phí xây dựng nhà cửa, chuồng nhốt thỏ, mua con giống, chưa kể hàng trăm triệu đồng mua 2.000 m2 đất. Hơn ba năm qua, trang trại của anh Chính đã phát triền từ 100 thỏ bố mẹ thành hơn 1.000 con, hầu như ngày nào cũng xuất bán thỏ thịt, thỏ giống.
Chàng kỹ sư trẻ chia sẻ, một trong những yếu tố thuận lợi là thỏ rất mắn đẻ và phát triển rất nhanh. Thỏ mẹ mỗi năm sinh sản 7-8 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Thỏ thịt nuôi 2,5 tháng là xuất chuồng, trọng lượng 2,2-3 kg mỗi con, giá bán ra 90.000-100.000 đồng một kg. Thỏ giống chỉ hơn một tháng là chuyển giao cho khách hàng với giá 150.000 đồng/kg. Từ ngày duy trì tổng đàn trên dưới 1.000 con đến nay, tháng nào anh Chính cũng xuất chuồng 600-700 kg, thu khoảng 80 triệu đồng, cho nguồn thu khoảng một tỷ đồng mỗi năm. Nhờ chu kỳ quay vòng vốn nhanh, trừ chi phí lãi ròng 30-40 triệu đồng một tháng là bình thường.
Khi lập trại ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang đã có tổ hợp nuôi thỏ, anh kỹ sư trẻ được các chủ trang trại khác tận tình giúp đỡ nên càng hăng say đầu tư. Chính bật mí, thỏ rất dễ nuôi, thức ăn cho chúng cũng khá phổ biến, chủ yếu là các loại rau và cây cỏ. Yếu tố quan trọng nhất là phòng ngừa được bệnh tật. Muốn vậy chuồng phải cao ráo, sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè. Thỏ bố mẹ và hậu bị định kỳ 6 tháng tiêm phòng một lần và cứ 10 ngày phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Rút ra nhiều kinh nghiệm sau khi nuôi khá thành công, Chính viết sách về kỹ thuật nuôi thỏ giống nhập ngoại để giao cho khách hàng của mình. Ngoài thức ăn thô cho thỏ, anh đã sản xuất thành công thức ăn tinh. Đó là loại cám viên tổng hợp giúp thỏ tăng trưởng và có sức đề kháng bệnh tật tốt hơn. Nhờ những đóng góp này, Chính được Hội Khoa học phát triển Việt Nam tặng Bằng khen và mời dự hội thảo ở Hà Nội.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Chính cho biết, thị trường thực phẩm chế biến từ thỏ ở Đà Nẵng rất phong phú. Không dừng lại ở quy mô chuồng trại và tổng đàn như hiện nay, sắp anh sẽ đầu tư mở rộng, nâng tổng đàn lên 2.000 con. "Trong tương lai gần sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm và kết nối với các siêu thị nhà hàng ở thành phố tiêu thụ thịt thỏ sạch”, anh nói.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn