Giống vịt đặc sản Cổ Lũng anh Hải lai tạo thành công có sức đề kháng tốt.
Tự lai tạo con giống
Theo học chuyên ngành nghiên cứu thủy sản, nhưng anh Hải lại có niềm đam mê nghiên cứu, lai tạo giống vịt đặc sản Cổ Lũng xứ Thanh với mong muốn bảo tồn giống gen quý của loài vịt đặc sản này.
Năm 2012, từ khi còn giảng dạy tại Trường Đại học Hồng Đức, kiêm nhiệm Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu của trường, Hải đã tìm hiểu về giống vịt Cổ Lũng, thuộc huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Anh tự mua con giống về để lai tạo thành giống vịt thuần chủng với tỷ lệ 1 trống 5 mái.
Anh đã nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều về giống vịt này. Sẵn có kiến thức trong đầu, Hải đã thí nghiệm cho chung những con giống vào một chuồng, khi vịt đẻ trứng, đánh dấu riêng từng mẻ, mang đi ấp để nhân giống.
“Thành công đến với tôi vào cuối năm 2013, số lượng vịt đàn ngày càng nhiều, mỗi lần sang đàn tôi lại đổi con trống sang chuồng khác, mỗi lần đổi 1 tháng. Để con giống khỏe hơn, khi nở nuôi lớn và thực hiện lai giống lại như ban đầu, sau đó chọn ra những cá thể khỏe mạnh nhất để lai tạo ra con giống thuần chủng.
Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được Hải nhân giống có màu sắc đồng nhất từ 95-97%, cổ to và ngắn, chân ngắn, vịt trống có đầu màu xanh và có khoang cổ; vịt mái có màu sẻ và khoang cổ, sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng tăng so với vịt cũ.
Anh Hải kiểm tra sự sinh trưởng của con giống.
Theo Hải, khâu chọn giống đưa vào sinh sản cực kỳ quan trọng, trứng phải đạt tiêu chuẩn về màu sắc, cân nặng, khi trứng nở thì chọn con không bị hở rốn và không bị bệnh tật mang nuôi để phát triển nhân đàn. Giống vịt của anh ngày càng được nhiều người biết đến, hiện trang trại của anh cung cấp con giống vịt Cổ Lũng cho nhiều địa phương trong cả nước.
Thu lãi 300 triệu đồng/năm
Để đáp ứng nguồn con giống cho thị trường, tháng 3/2016, sau nhiều đắn đo, Hải quyết định vay mượn hơn 1 tỷ đồng, thuê gần 4.000m2 đất tại phường Quảng Thanh (TP. Thanh Hóa) để mở rộng trang trại, nhân giống loài vịt đặc sản này.
Anh Hải cho biết thêm, thời gian đầu, anh nuôi khoảng 200 cá thể giống đã qua lai tạo, chọn lọc thuần chủng để nhân giống, đồng thời tự tạo con giống cho trang trại.Từ khi vịt nở đến lúc xuất chuồng mất khoảng 4 tháng.
Thời kỳ sinh trưởng, phát triển nhân giống đàn, hàm lượng thức ăn là khâu quan trọng, vịt 1 tuần tuổi thì cho ăn cám mảnh với độ đạm 25%; đến tháng thứ 2 trở đi thì cho ăn với tỷ lệ 30% ngô, 30% lúa, cám; từ tháng thứ 4 chuyển sang cho ăn theo chế độ 40% ngô, 40% lúa, 20% cá xay nhuyễn ủ lên men.
Để thịt vịt thơm ngon hơn và ít có mỡ vào thời kỳ xuất chuồng, Hải cho vịt ăn thêm rau xanh để tạo chất xơ, do vậy mà luôn giữ được trọng lượng bình quân khi xuất chuồng đối với vịt trống là 1,8-2,2kg, vịt mái 1,6kg.
Hiện, mỗi năm gia đình Hải cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 con vịt thịt với giá 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, trang trại của anh còn cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 5.000-7.000 con giống với giá 12.000-13.000 đồng/con, có thời điểm giá con giống lên đến 18.000 đồng/con. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình Hải thu về khoảng 250-300 triệu đồng từ nuôi vịt đặc sản Cổ Lũng.
Không chỉ phát triển vịt Cổ Lũng, Hải còn có niềm đam mê lai tạo giống gà rừng, gà Kha Thầy, gà Đông Tảo, nuôi hàng chục lồng, bè cá trên sông Mã và đập Đồng Bể (Triệu Sơn). Với niềm đam mê, học hỏi, Hải đã thu được những thành công nhất định, thương hiệu sản phẩm của anh ngày càng đứng vững trên thị trường trong và ngoài xứ Thanh.
Xuân Sơn/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn