Trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, anh Ánh kể cho chúng tôi nghe quá trình làm ăn của mình với rất nhiều khó khăn và vất vả. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em. Là anh cả trong gia đình, khi lập gia đình cha mẹ cho ra ở riêng chỉ có hai bàn tay trắng, nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm gì để thoát nghèo, đó là tâm niệm và ý chí vươn lên trong tâm thức của anh và gia đình. Với suy nghĩ đó, anh đã quyết tâm làm giàu trên đồng đất của quê hương mình. Năm 2005, khi Nhà nước có chủ trương trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, anh đã mạnh dạn khai hoang đất rừng để trồng điều với diện tích 3 ha theo chương trình PAM. Anh Ánh xác định cây điều là cây trồng chính, cây trồng phụ có thể thay đổi hàng năm tùy thuộc thời vụ và điều kiện thời tiết. Đồng thời anh tận dụng vùng gò đồi để trồng rừng; khe suối để trồng cỏ chăn nuôi bò, góp phần tăng thu nhập và có phân bón cho cây trồng.
Anh Ánh cho biết, 3 ha điều theo dự án PAM của gia đình anh không cho năng suất cao nên anh quyết định chặt bỏ và trồng thay thế bằng cây điều ghép. Hiện nay diện tích điều của gia đình anh là trên 6 ha, diện tích cây lâm nghiệp (keo lai) là 3 ha, 10 con bò lai, trong đó có 5 bò lai sinh sản. Ngoài ra, anh còn nuôi gà với hình thứcgối đầu chia làm 3 lứa, mỗi lứa 300 con và cách nhau 1 tháng, nuôi hết lứa này đến lứa khác.
Tính về thu nhập của gia đình, anh Ánh chia sẻ: Với diện tích 6 ha, bình quân anh thu 11 tấn điều mỗi năm, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ điều là 200 triệu đồng. Hàng năm, diện tích 3 ha cây keo lai cho lãi 50 triệu đồng. Nhờ chọn con giống có chất lượng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ nên đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, ít dịch bệnh. Sau thời gian 3 tháng mỗi con gà trọng lượng khoảng 1,5 -1,7 kg/con, với giá hiện tại 70 nghìn đồng/kg sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gia đình anh thu lãi từ 10 -12 triệu đồng và 50 gà mái đẻ. Như vậy, hàng năm thu nhập từ bò là 80 triệu đồng và gà là 40 triệu đồng.
Ngoài ra gia đình anh còn giúp từ 08-10 hộ thoát nghèo và đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động khi vào mùa thu hoạch và chăm sóc điều. Cuộc sống của gia đình anh ngày càng ấm no, hạnh phúc và có điều kiện nuôi con ăn học.
Anh Nguyễn Xuân Ánh tâm sự: “Trước đây nhà tôi rất khó khăn. Không muốn các con mình phải khổ nên tôi đã tìm mọi cách để đưa kinh tế gia đình phát triển. Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân tôi và các thành viên trong gia đình. Tôi nhận thấy, muốn thành công thì trước hết phải chọn hướng đi đúng, kết hợp với sự năng động, sáng tạo, cần cù và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và quyết tâm không chịu khuất phục trước đói nghèo”.
Song song với việc phát triển kinh tế, anh còn vận động quyên góp ủng hộ gia đình hội viên khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bản thân anh đã phối hợp cùng cán bộ khuyến nông xã mở nhiều lớp tập huấn tại nhà nhằm truyền đạt những kinh nghiệm và chuyển giao các tiến bộ KHKT cho những hộ khó khăn xung quanh cùng phát triển kinh tế. Gia đình anh luôn thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân ở địa phương, tham gia hội họp, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Gia đình anh luôn đạt gia đình văn hóa xuất sắc nhiều năm liền.
Ông Phan Hồng Chương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Lâm cho biết: “Không những sản xuất giỏi mà anh Ánh còn tận tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và sống chan hoà với bà con lối xóm, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước vàtích cự tham gia các phong trào ở địa phương, được mọi người quý mến. Trong nhiều năm liền, ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện đến cấp tỉnh”.
Theo khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn