Dưa lưới “Ba Hưng Sài Gòn” trở thành thương hiệu có tiếng. Dưa ở đây to, tròn, lưới đẹp nên được các thương lái trái cây ưa chuộng. Hầu như đến vụ thu hoạch nào, dưa cắt ra cũng đều có các xe chờ sẵn để vận chuyển đi khắp cả nước. Theo anh Võ Minh Hưng, phụ trách kỹ thuật trại dưa này, cho biết bước đầu quy trình trồng được tiếp nhận từ các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trực thuộc AHTP), bao gồm chỉ dẫn kỹ thuật, nguồn giống, phân bón đến cả đơn vị thu mua. Do cách trồng không quá phức tạp nên chỉ qua một vài vụ là thành thục. Với diện tích trồng 1.500m2, sau 4 vụ dưa, anh đã có lãi hơn 100 triệu đồng. Điều đặc biệt, theo anh Hưng, trồng dưa lưới không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro gần như không có.
Trồng cà chua bi tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao.
Không chỉ có “Ba Hưng Sài Gòn”, đến nay đã có hàng chục cá nhân, tổ chức tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận mạnh dạn tìm đến trung tâm và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới cũng như các mô hình khác, như kỹ thuật cấy mô invitro cây lan Hồ điệp, quy trình trồng nấm linh chi, mô hình trồng rau thủy canh cho nhà phố… Nắm bắt nhu cầu người dân, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện đang nghiên cứu và hoàn thiện một số quy trình cấy mô invitro hai giống lan rừng Ngọc điểm và Thủy tiên trắng, phát triển một số giống rau ăn lá, nấm hoàng kim và nấm linh chi để sớm đưa đến tay người nông dân.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý AHTP, so với các địa phương khác như Đà Lạt hay đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM không có lợi thế về thời tiết hay đất đai, vì thế nông nghiệp của TPHCM được chọn đi theo hướng phát triển giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh thành lân cận.
Hiện quy hoạch của AHTP cũng được mở rộng để đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của TPHCM. Bên cạnh dự án mở rộng AHTP hiện hữu, thành phố cũng đang tiếp tục đầu tư dự án xây dựng Khu Chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) và dự án xây dựng Khu Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ), tạo ra các vùng nông nghiệp chuyên biệt cho thành phố. Song song đó, AHTP và ngành nông nghiệp các tỉnh Phú Yên, An Giang, Vĩnh Long đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu hút đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương này. Qua đó tạo ra vùng liên kết sản xuất nông nghiệp, tránh chồng lấn các sản phẩm nông nghiệp và gia tăng giá trị nông sản.
Cũng theo ông Đinh Minh Hiệp, trước sức ép từ nông sản các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam, nông nghiệp công nghệ cao là sự lựa chọn tất yếu nhằm đảm bảo giá trị nông sản Việt, vừa gia tăng thu nhập cho chính bà con nông dân.
Thời gian qua, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM phối hợp với Hội Nông dân TPHCM triển khai nhiều dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao như: mô hình trồng chuối giá trị cao; trồng cây giảo cổ lam phục vụ thị trường dược liệu trong nước và xuất khẩu; mô hình nuôi ốc hương, nuôi cua thịt từ giống sinh sản nhân tạo… Đến nay, đã có 18.000 lượt nông dân TPHCM được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGap; nâng chất lượng hoạt động của 64 hợp tác xã và 175 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Sài Gòn giải phóng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn