Việc chuyển đổi sản xuất ở những địa bàn canh tác khó khăn, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả tại Tiền Giang theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu đã giúp không ít nông hộ làm giàu bền vững.
Chuyển từ trồng lúa thu nhập bấp bênh sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản nhiều năm nay gia đình bà Trần Thị Hồng Châu, ấp Bình Hòa B, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo chẳng những vượt qua những khó khăn về sinh kế mà còn làm giàu bền vững.
Gia đình bà Châu hiện canh tác 4.500 m2 đất vườn trồng bưởi da xanh. Phần đất này trước kia làm ruộng, trồng lúa nhưng thu nhập không cao. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi thích ứng biến đổi khí hậu, bà Châu chọn mô hình cải tạo đất, lên líp trồng bưởi da xanh. Theo bà Châu, cây bưởi da xanh dễ trồng, năng suất cao, có thể cho trái quanh năm, thị trường ưa chuộng nên đầu ra rất thuận lợi.
Tuy nhiên, để thành công với cây bưởi da xanh thì nông dân cần chú trọng chọn giống tốt, trồng đúng kỹ thuật và chăm sóc theo khoa học, quan tâm phòng trừ sâu bệnh cho cây và tỉa cành, tạo tán,…
Bà Châu cho biết, trung bình một công đất (1.000 m2) trồng từ 80 đến 100 cây bưởi da xanh. Nông dân nên chọn giống tốt, mật độ trồng vừa phải, bón nhiều phân chuồng hoai mục thay cho phân bón vô cơ và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh để cây cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng trái tốt được thị trường ưa chuộng.
Đặc biệt, cây bưởi rất phù hợp với đất ruộng mới cải tạo thành vườn trồng cây. Bưởi trồng sau 2 năm đến 2,5 năm đã cho trái bói. Những năm về sau, cây cho trái ổn định với năng suất cao, bình quân từ 15 đến 20 tấn quả/ ha.
Bưởi da xanh là loại cây ăn quả cho trái gần như rải vụ quanh năm, giá bán rất cao nên mang đến nông dân nguồn lợi lớn.
Trong năm 2017, giá bưởi da xanh có lúc lên đến 60.000 đ/kg còn bình quân cả năm đạt 40.000 đ đến 45.000 đ/kg. Bưởi da xanh là một trong số ít cây ăn quả đặc sản luôn giữ giá cao trên thị trường nên nhiều nông dân trúng mùa và trúng giá đã trở lên giàu có.
Bà Trần Thị Hồng Châu cho biết, bưởi cho thu hoạch hàng tháng. Với 4.500 m2 đất trồng bưởi da xanh, tháng thấp nhất cũng thu được trên 10 triệu đồng, tháng cao nhất lên đến 30 triệu đồng.
Trong năm vừa qua, gia đình bà Châu thu hoạch khoảng 8 tấn bưởi, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, thu 320 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 200 triệu đồng.
Sau gần 10 năm xây dựng mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh thích ứng biến đổi khí hậu, gia đình bà Châu đã thực sự đổi đời, từ hộ nghèo khó đã trở thành một trong những triệu phú.
Mới đây, bà Châu còn đầu tư thêm 3.000 m2 đất để mở rộng sản xuất. Phần đất này, bà dự kiến tiếp tục cải tạo trồng bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Bí thư Đảng ủy xã Song Bình cho biết, bà Trần Thị Hồng Châu là hộ đi tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương. Mô hình trồng bười da xanh trên nền đất lúa mang lại hiệu quả cao đang được địa phương nhân rộng nhằm giúp nông dân cùng làm giàu vừa định hình được vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn. Ước tính, diện tích bưởi da xanh toàn xã đạt gần 200 ha.
Ông Lê Hữu Thệ, Bí thư huyện ủy Chợ Gạo đánh giá cao mô hình trồng bưởi da xanh hàng hóa do những nông dân đi tiên phong như bà Trần Thị Hồng Châu thực hiện.
Diện tích bưởi da xanh toàn huyện hiện lên tới trên 700 ha, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước; trong đó xã Song Bình là địa phương có diện tích lớn nhất.
Từ hiệu quả kinh tế bền vững do mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh thích ứng biến đổi khí hậu mang lại, huyện Chợ Gạo xác định cây bưởi da xanh là một trong những cây trồng chủ lực, đang được khuyến khích phát triển thành vùng chuyên canh.
Theo Minh Trí/baotintuc.vn