Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó, chứng kiến những vất vả trong đời sống của bà con, anh Lương Đình Khương, dân tộc Tày, ở thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã quyết tâm tìm cách giúp cho gia đình thoát đói nghèo, nâng cao đời sống.
Sau nhiều chuyến thực tế tại những vùng đất trồng nhiều cây ăn quả có múi trong và ngoài huyện, anh Khương nhận thấy tại những vùng này, cuộc sống của người dân được ổn định nhờ tích cực phát triển cây ăn quả có múi, trong khi đó tại quê mình đất vẫn còn nhiều, mà chưa được sử dụng hiệu quả.
Năm 2010, anh Khương mua 150 cây cam về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm, cây đã cho thu hoạch và vụ thu hoạch đầu tiên đã đạt trên 70 triệu đồng. Tiếp tục mở rộng diện tích, đến năm 2014, gia đình anh đã thu về trên 110 triệu đồng.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc phát triển cây ăn quả có múi, anh Khương tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng để mua đất, thuê máy san gạt mặt bằng, làm đường, kéo đường ống dẫn nước, đường điện về trang trại phục vụ việc chăm sóc và phát triển cây ăn quả.
Theo anh Khương, muốn thành công trong phát triển cây ăn quả có múi phải biết đầu tư, tự học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, đưa khoa học, kỹ thuật vào áp dụng trong khi trồng và chăm sóc. Bởi vậy, khi quyết tâm xây dựng mô hình trồng cây ăn quả có múi, anh Khương đã không ngại khó khăn, vất vả lặn lội đến những vùng trồng cây ăn quả có tiếng như thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn hay cả các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm...
Sau khi đã nắm chắc được phương pháp trong tay, anh Khương bắt tay trồng 7 ha cây ăn quả. Trong đó, có 3.000 gốc cam sành; 2.000 gốc chanh, bưởi da xanh, cam V2… Nhờ áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc mà diện tích cây ăn quả của gia đình anh Khương đều sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh và chắc chắn sẽ tiếp tục cho nguồn thu lớn. Cùng với việc trồng cây ăn quả có múi, gia đình anh Khương còn tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà mỗi năm cũng cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Theo Báo Tin tức