Mấy năm gần đây, cây bưởi đỏ Tân Lạc đã nổi tiếng khắp vùng. Người tiêu dùng đã biết đến giống bưởi ngon, ngọt và luôn đạt kỷ lục về số quả/1 cây. Cây bưởi tổ xuất phát từ xã Đông Lai (Tân Lạc), sau đó được người dân quanh vùng nhân giống. Hiện cây bưởi tổ xứ Mường được trồng ở hầu hết các xã của Hòa Bình.
Giống bưởi đỏ xứ Mường luôn đạt kỷ lục về số quả/1 cây. Một cây bưởi đỏ đậu 300-400 quả không còn là chuyện lạ.
Ngoài ra, người dân ở các tỉnh như Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh...cũng cất công về đây lấy giống trồng bưởi đỏ. Riêng tỉnh Hòa Bình có khoảng 700ha bưởi đỏ và hiện diện tích trồng giống bưởi này đang được nhân rộng.
Đầu tháng 10 bà con bắt đầu thu hoạch bưởi đỏ. Giống bưởi này khi chín vỏ có màu đỏ, ruột đỏ. Bưởi trồng ở các xã của huyện Tân Lạc luôn cho chất lượng thơm, ngon hơn so với các vùng khác. Điều đặc biệt là giống bưởi này phát triển cành rất tốt, nên nó đeo được rất nhiều quả.
Đứng từ ngoài nhìn vào cây bưởi đỏ, không ai nhìn thấy quả bưởi nào. Nhưng khi ngồi dưới gốc cây bưởi, người xem ngỡ ngàng, tất cả những chùm bưởi như chùm nho này lại nằm hoàn toàn trong thân. Quả bưởi giấu mình trong thân sẽ không bị rám nắng. Các lão nông xứ Mường sở hữu bí quyết riêng để bắt bưởi ra quả theo ý mình.
Ngoài yếu tố ưu đãi về tự nhiên, vùng này thường rất ít mưa khi bưởi ra hoa (tháng 12 âm lịch), các lão nông xứ Mường nơi đây đang sở hữu những bí quyết xếp quả cho cây bưởi. Cây nào cũng sai quả như chùm nho mà quả vẫn đạt được trọng lượng trên dưới 1kg.
Theo chia sẻ của các lão nông xứ Mường có kinh nghiệm , ngay từ năm thứ nhất đã phải tạo tán cho cây bưởi. Tức là cành cấp 1, cấp 2, cấp 3 không để bị vượt. Năm thứ 2, nuôi các cành tăm trong thân cây. Đến năm thứ 3 đã bắt đầu để quả. Nhưng tốt nhất là nuôi cây 4 năm mới để quả là tốt nhất.
Tán cây bưởi ra tròn như cái ô là đạt yêu cầu. Việc bắt cây ra bưởi ra hoa vào trước Tết âm lịch là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ hoa ra sớm, số quả đạt được sẽ tốt hơn. Hiện ở đất Mường có nhiều cách bắt cây ra hoa theo ý mình. Người thì chặt rễ, khoanh gốc, người phun thuốc kích hoa. Tuy nhiên, ông Thiện ở xóm 3, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc lại sở hữu cách chăm cây vô cùng độc đáo: Cuối tháng 11 âm lịch, ông cho vặt hết lá già trên cây. Sau đó bón phân, tưới nước và bấm hết các đầu cành.
Khi đã ép cây ra hoa theo đúng lộ trình, số lượng quả đậu sẽ cao hơn. Một yếu tố vô cùng quan trọng khi cây ra hoa sớm sẽ tránh được những trận mưa phùn sau Tết khiến hoa bị thối không đậu quả.
Bưởi đỏ khi chín rất mọng nước. Tôm to, múi dày, ăn có vị ngọt mát.
Tác giả bài viết: Xuân Tuấn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn