Anh Hợp cho biết: Năm 2007, gia đình anh cùng nhiều hộ dân khác ở xã Mường Trai, huyện Mường La chuyển về nơi ở mới tại bản Nậm Dên, xã Chiềng Sơn, theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Với bản tính thích mô hình mới, vật nuôi lạ trong phát triển kinh tế, sau một thời gian tìm hiểu, anh Hợp đã chọn nuôi lợn rừng để khởi nghiệp nơi vùng đất mới.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ anh Hợp quyết định khởi nghiệp bằng cách chắt bóp vốn đầu tư nuôi lợn rừng ở vùng đất mới.
“Mình thích những thứ mới mẻ. Mình không thích làm theo những cái mà người ta đã làm rồi và hiệu quả thấp. Thấy ở vùng đất mới Chiềng Sơn, chưa ai nuôi lợn rừng nên mình quyết định chọn loài vật nuôi này làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình. Thú thật, nhà tôi cũng phải chắt bóp, gom góp mới đủ vốn mua con giống. Tuy chậm lớn nhưng bù lại lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi lợn thường...” – anh Hợp thật thà, chia sẻ.
Theo anh Hợp, tuy chậm lớn nhưng bù lại, lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi lợn thường
Năm 2008, anh Hợp mua 3 con lợn rừng (2 con cái, 1 con đực) về nuôi sinh sản. Ban đầu, anh làm chuồng trại nuôi nhốt, chăm sóc cẩn thận. Một thời gian sau, 2 con lợn nái đẻ lứa đầu tiên, anh giữ lại nuôi toàn bộ. Số lợn cái, anh Hợp nuôi nhân đàn lợn nái; còn lợn đực thì anh nuôi bán thương phẩm. Khi đàn lợn tăng lên, cũng là lúc anh Hợp nghĩ đến chuyện chuyển đổi phương thức từ nuôi nhốt sang quây thả. Trên mảnh nương rộng mấy trăm m2 gần nhà, anh Hợp đầu tư xây tường bao xung quanh. Sát tường bao, anh xây một dãy dài, chia thành 4 khu chuồng, mỗi khu rộng chừng 20 m2. Khu chuồng nào anh cũng làm mái che nắng, mưa cho lợn...
Khu sân chơi rộng hàng trăm m2 của đàn lợn rừng vốn trước đây là mảnh nương anh Hợp trồng ngô, trồng sắn.
“Những năm đầu, do khó khăn về vốn nên tôi chủ yếu bán giống, lấy tiền quay vòng đầu tư và trang trải chi phí trong sinh hoạt. Từ năm thứ 4 trở đi, tôi vừa bán giống, vừa bán lợn thịt, mỗi năm lãi hơn 200 triệu đồng...” – anh Hợp cho hay.
Thức ăn của lợn rừng rất đơn giản chủ yếu là sắn, ngô và đặc biệt cây chuối thái ra lợn rừng rất thích ăn.
Nói về kỹ thuật nuôi lợn rừng, anh Hợp chia sẻ: “Lợn rừng dễ nuôi. Thức ăn chủ yếu của chúng là: ngô, sắn, bí đỏ, cây chuối... Muốn lợn sinh trưởng, phát triển tốt thì phải chú ý ngay từ khi sinh sản. Lúc lợn đẻ, việc đầu tiên phải làm là tuyệt đối không để lợn con bị dính nước. Nếu không, lợn con dễ bị viêm phổi, ỉa chảy... Một yếu tố cũng rất quan trọng, đó là phải có không gian rộng rãi để cho lợn “nô đùa”, đi lại, chạy nhảy...”.
Anh Hợp cho biết, chuồng trại luôn được dọn dẹp sạch sẽ, khô ráo tuyệt đối không để lợn con bị dính nước khi mới sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho những chú lợn con vừa ra đời
Theo anh Hợp, lợn rừng chậm lớn hơn nhiều so với lợn nuôi công nghiệp và các giống lợn khác. Nuôi từ lúc đẻ đến khi lợn được 10 kg phải mất từ 5 – 6 tháng. Sau thời kỳ này, lợn lớn nhanh hơn, mỗi tháng có thể đạt từ 7 – 10 kg. Lợn rừng nuôi tuy lâu nhưng bù lại giá trị kinh tế của nó cao gấp 3- 4 lần lợn thường.
Nuôi lợn rừng giá cả khá ổn định, không sợ giá cả lên xuống thất thường như lợn công nghiệp, anh Hợp cho biết.
“Nuôi lợn rừng không sợ giá cả lên xuống thất thường như lợn công nghiệp. Mấy năm nay, giá lợn rừng khá ổn định. Mỗi năm, tôi bán ra thị trường khoảng 100 con lợn giống, với giá dao động từ 200 – 230 nghìn đồng/kg. Còn với lợn thịt, tôi xuất khoảng 1 tấn cho thương lái, với giá 120 nghìn đồng/kg (bắt tại chuồng). Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi có dư hơn 200 triệu đồng...” – anh Hợp vui vẻ nói.
Hiện nay, trong khu chăn nuôi lợn rừng của nhà anh Hợp có 8 con nái, 2 con đực, 10 con lợn thịt và 20 lợn giống các cỡ khác nhau. Cũng nhờ có mô hình nuôi lợn rừng mà năm 2015, anh Hợp xây được ngôi nhà 2 tầng to, đẹp nhất tiểu khu. Người dân trong tiểu khu, ai cũng hết lời khen ngợi ý chí, nghị lực làm giàu của anh nông dân người Thái giỏi giang này.
Theo Văn Chiến- Thiên Long/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn