Khu nuôi lợn thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng. |
Tròn 16 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hùng xung phong lên đường nhập ngũ. Bị thương nặng trong một trận chiến đấu, năm 1975, ông Hùng xuất ngũ trở về địa phương, mang thương tật 41%. Sau khi xây dựng gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng bắt tay trồng vải thiều và chăm chỉ làm ruộng cải thiện kinh tế. Thế nhưng, gặp đúng thời điểm vải thiều rớt giá, công việc đồng áng vất vả mà thu nhập vẫn thấp. Năm 2005, Nhà nước có chính sách khuyến khích dồn điền đổi thửa, tạo ô thửa lớn để sản xuất nông nghiệp, ông Hùng mạnh dạn chuyển toàn bộ gần 2 mẫu ruộng của gia đình và nhận thầu thêm để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Thiếu vốn, ông tín chấp vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện 70 triệu đồng để gia cố, đắp bờ bao, đầu tư con giống. Ban đầu, chuồng nuôi xây trên ao có 2 con lợn nái, 40 con lợn thịt/lứa, bên dưới thả cá. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận của chủ nhân, đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Những lứa lợn lần lượt xuất chuồng, được giá, giúp gia đình trả hết nợ và có tích lũy.
Có đồng vốn dư giả, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng mở rộng quy mô chăn nuôi. Để chủ động nguồn giống tại chỗ, trang trại thường xuyên có 50 con lợn nái. Toàn bộ lợn giống được nuôi thành thương phẩm, bình quân xuất bán khoảng 500 con/năm, tương đương hơn 40 tấn lợn hơi. Khu thả cá được chia làm 3 ô riêng rẽ nuôi cá thịt, cá giống. Mỗi năm thu hoạch 3 đợt cá thương phẩm, sản lượng đạt từ 10-11 tấn/lứa.
Hạch toán từ chăn nuôi lợn, cá đã giúp gia đình ông thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm, là một trong những trang trại tiêu biểu ở xã Lan Giới, nhiều năm được UBND huyện Tân Yên biểu dương, khen thưởng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Hùng còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ trong thôn về vốn để phát triển kinh tế. Theo ông, để thành công trong chăn nuôi, một trong những vấn đề mấu chốt là phải nắm chắc được quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch, bệnh; tiêm phòng vắc-xin theo đúng định kỳ.
Theo Báo Bắc Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn