Ông Ong Văn Có ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây huyện Phước Long, nuôi cá bống tượng trên diện tích 6000 m2 với 10 ao nuôi, mỗi năm thu hoạch được hơn 850 kg cá, thu nhập trên 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 100 – 120 triệu đồng.
|
Mô hình nuôi cá bống tượng trong ao đất ở huyện Phước Long, Bạc Liêu. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Cócho biết: “Cách đây hơn 7 năm sau khi tìm hiểu thị trường đầu ra của các sản phẩm thủy sản nước ngọt, lợ, ông thấy cá bống tượng có đầu ra tương đối ổn định hơn các đối tượng khác, giá bán lại khá cao. Từ đó ông quyết định tìm hiểu về kỹ thuật qua báo đài, các lớp tập huấn, hội thảo, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về kỹ thuật nuôi đối tượng này. Năm 2014, ông quyết định đào 3500 m2 đất vườn lên nuôi cá bống tượng, thả nuôi khoảng 800 con, sau 15 tháng nuôi ông thu hoạch được 300 kg cá (giá thương phẩm 320 ngàn đồng/kg) lãi trên 30 triệu đồng.
Nhờ thành công năm đầu tiên, ông mạnh dạn ủi thêm 2500 m2, nâng tổng số ao nuôi cá đến nay là 10 ao (mỗi ao diện tích 500 m2) và vay mượn thêm vốn bà con mua cá giống về thả. Với mô hình nuôi cá bống tượng, mỗi năm ông thu trên 100 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Nuôi cá bống tượng không khó, quan trọng nhất là khâu chọn con giống phải đạt chất lượng, trong quá trình nuôi định kỳ trộn men tiêu hóa, dinh dưỡng và một số thuốc ngừa bệnh, định kỳ thay nước và định kỳ phân cỡ cá để nuôi riêng, tránh hiện ăn nhau làm giảm tỉ lệ sống”.
Hiện nay đàn cá bống tượng của ông có sản lượng hơn 400 kg (trung bình 350 – 400 g/con) đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Không dừng lại ở đó trên bờ ao ông tận dụng trồng nhiều loại cây ăn trái như: đu đủ, chuối, ổi…vừa để tiêu thụ hằng ngày trong gia đình vừa bán kiếm thêm thu nhập. Gia đình ông Có còn tận dụng vườn rộng thả nuôi hơn 100 con gà nòi lai hàng năm thu trên 10 triệu đồng. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm 2 heo nái, trên 10 heo thịt và lắp đặt hệ thống Biogas để phục vụ nguồn khí đốt trong gia đình, trừ chi phí hằng năm ông thu hơn 20 triệu đồng.
Nhiều năm nay, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi cây trồng được các ngành chức năng huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu quan tâm và xem đây là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, nhiều bà con nông dân trong huyện đã áp dụng rất thành thạo các mô hình sản xuất tổng hợp như: tôm – cua kết hợp, tôm - trồng rau màu trên liếp vuông tôm, nuôi heo kết hợp thả cá…và đem lại hiệu quả rất khả quan, góp phần cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo Hội Nông dân