Ao nuôi cá lóc bông. |
Ông cho biết năm 2003, sau khi nghỉ làm ở cơ quan, ông quay về vườn lên bờ trồng cây và đào ao nuôi cá. Trên diện tích đất 10.000 m2, ông đã sử dụng hơn 50% đào ao, còn lại trồng cây ăn trái và nuôi gà, vịt thả lan.
Theo kinh nghiệm của ông, muốn thu nhập ổn định, các nhà vườn nên áp dụng mô hình đa cây, đa con. Từ ý tưởng đó, ông đã khai thác mọi tiềm năng để tăng thêm thu nhập bàng cách nuôi cá, nuôi lươn, nuôi gà, trồng cây ăn trái, trồng sen… trong đó nguồn lợi chính là con cá.
Với 6.000 m2 mặt ao (gồm 4 ao lớn), ông thả nuôi nhiều loại cá như cá sặc rằn, cá rô đầu vuông, cá thát lát, cá lóc, cá bông…
Ông tâm sự, sau nhiều năm lăn lộn với nghề, thành công có, thất bại cũng có, thậm chí năm 2017 thua lỗ nặng nề vì cá mất giá. Từ sự thất bại đó ông đã rút ra một bài học thiết thực mà không phải ai cũng làm được.
Ông Lê Văn Bon cho cá thát lát ăn. |
Chẳng hạn như cùng một mô hình nuôi cá, đa số bà con nông dân đều nuôi riêng từng loại cho dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, ông thì lại nuôi kết hợp 2 loại cá trên cùng mương ao. Lúc đầu ông thả chung cá rô đồng với cá sặc rằn; sau đó ông thả cá sặc rằn với cá rô đầu vuông; khi cá rô đầu vuông rớt giá ông lại chuyển qua nuôi cá thát lát kết hợp với cá sặc rằn…
Ông Bon chia sẻ, nuôi ghép 2 loại cá trong cùng một ao sẽ có nhiều cái lợi, trước hết là loài cá này xuống giá, loài cá kia sẽ bù trừ. Hơn nữa, mỗi loài cá đều sống ở một tầng nước khác nhau, cụ thể như cá sặc rằn thích sống ở tầng đáy sẽ ăn thức ăn thừa của cá thát lát từ tầng trên. Như vậy người nuôi sẽ tiết kiệm được chi phí thức ăn.
Hiện nay, con cá chủ lực của ông là thát lát (60.000 con) và cá lóc bông (20.000 con). Thường 2 loại cá này có giá tương đối ổn định, ít khi gặp rủi ro..
Với niềm say mê nghề nghiệp, lúc nào ông cũng mày mò nghiên cứu, tham gia nhiều lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản do ngành Khuyến nông tổ chức, đồng thời tham dự nhiều cuộc hội thảo chuyên đề để nâng cao trình độ kỹ thuật.
Tuy vậy, ông vẫn thừa nhận nghề nuôi cá không dễ dàng chút nào. Một là giá cả thị trường lên xuống thất thường, hai là cá bị bệnh. Do vậy, người nuôi phải thường xuyên theo dõi nguồn nước, môi trường bảo đảm sạch, thức ăn phải đạt chất lượng, giống tốt và thả đúng thời điểm.
Ngoài thả cá, ông Bon còn trồng sen. |
Nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí ông còn lời trên 300 triệu đồng từ tiền bán cá, chưa kể thu nhập từ lươn giống và các sản phẩm khác như trái cây, sen...
Không dừng lại ở đây, hiện ông còn kết hợp với Công ty Lữ hành TP. Cần Thơ mở homestay, đón khách du lịch trong và ngoài nước. Khách đến đây chủ yếu là thưởng thức trái cây, ngắm cảnh, câu cá và tự nấu ăn tại chỗ.
Ông Nguyễn Thành Nghi, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Tuyền nhận xét, ông Lê Văn Bon cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo với mô hình nông nghiệp và đã đạt những thành tích xuất sắc, đáng để nhiều người học tập. Ông đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của chính quyền và Hội Nông dân TP. Cần Thơ, trong đó có Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn