Ông Việt tiến hành thiết kế mô hình thành nhiều ô nuôi, mỗi ô dài 2m, rộng 0,8m, cao 1m, bên trong có lót bạt cao su. Với thiết kế này, rắn không bị trầy xước da như nuôi trong hồ xi măng. Ưu điểm nữa là ông có thể di chuyển ô nuôi trên mặt phẳng theo ý muốn và có thể tận dụng được diện tích trống của gia đình để nuôi rắn. Độ sâu lý tưởng để nuôi rắn ri tượng trong mỗi ô nuôi từ 0,3-0,4 m nước. Trong từng ô nuôi ông Việt bỏ thêm lá chuối khô, sậy khô, lục bình và bèo để tạo điều kiện sống cho rắn như đang sống trong môi trường tự nhiên. Cách ngụy trang này giúp che nắng cho rắn. Nguồn nước nuôi rắn cần sạch sẽ, khoảng 10- 15 ngày tiến hành thay nước một lần. Nếu nguồn nước sạch, môi trường nuôi thông thoáng thì rắn sẽ ít dịch bệnh.
Thức ăn thích hợp của rắn là cá da trơn như: Cá trê, cá trốt, ếch nhái, lươn con… Bình quân 4 kg thức ăn rắn tăng trọng từ 0,8 - 1 kg. Do đó bà con cần cho rắn ăn đủ để mau lớn. Lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3-5% trọng lượng rắn trong ô nuôi, cho ăn vào buổi sáng và chiều tối, không nên để thức ăn dư thừa, làm ô nhiễm nước. Nếu cho ăn thiếu, rắn đói có thể ăn thịt nhau.
Để đàn rắn phát triển tốt, ông Việt nuôi mỗi ô khoảng 80-100 con trưởng thành tùy kích cỡ, nếu rắn nhỏ thì nuôi khoảng vài trăm con. Rắn đực, rắn cái và rắn sinh sản thả nuôi riêng.
Tuân thủ đúng quy trình nuôi, sau 12 tháng, rắn sẽ tăng trọng từ 800- 1.200 gam, tỷ lệ nuôi đạt trên 70%. Rắn con có giá 50.000 đồng/con và rắn thịt từ 600-700 ngàn đồng/kg.
Ba năm gần đây, ông Việt bán ra thị trường hơn 4.000 rắn con, hơn 1.000 kg rắn thịt, rắn sinh sản. Trừ mọi chi phí ông thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện ông đang nuôi hơn 2.000 rắn con, rắn sinh sản và rắn thịt. Mô hình của ông được người dân các vùng lân cận đến tham quan, tìm hiểu để nhân rộng.