Qua những bài báo, kênh truyền hình được xem, ông Điểm nhận thấy trồng mộc nhĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, khả năng rủi ro cũng thấp nên ông đã quyết định sản xuất tại gia đình.
Ông cũng chính là người tiên phong mở đường, đưa mộc nhĩ về quê hương Yên Sở. Năm 2010, ông thuê gần 10.000 m2 đất tại vùng bãi của xã để xây dựng nhà xưởng, làm giàn nuôi cấy với 3.000 bịch mộc nhĩ/lần. Những năm đầu trồng mộc nhĩ, khó khăn ập đến không ít, năng suất thấp, giá trị kinh tế chưa cao kéo đến thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Ông Điểm đang kiểm tra mộc nhĩ trong xưởng. |
Không nản chí, ông tiếp tục thử nghiệm, tìm tòi, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cho tới cấy giống, treo giàn. “Ăn – ngủ với mộc nhĩ’, ông đi học hỏi khắp nơi, tìm kinh nghiệm từ thực tế. Dần dà, thành công cũng tới, giờ đây, mỗi năm, gia đình ông Điểm trồng gần 20.000 bịch mộc nhĩ, thu hoạch được khoảng 9 tấn mộc nhĩ khô, giá bán trung bình là 110 nghìn/kg. Trừ chi phí về nguyên liệu sản xuất, giá nhân công, ông Điểm thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng/ năm.
Theo ông Điểm, kỹ thuật trồng và chăm sóc mộc nhĩ không khó, nhưng cần sự tỉ mỉ, phải thường xuyên theo dõi, quan sát sự phát triển của cây. Ông Điểm cho biết: “Quan trọng nhất về trồng và chăm sóc mộc nhĩ là khâu thanh trùng để vi khuẩn, vi trùng bị tiêu diệt. Sau đó mang ra cấy giống thì phải che chắn, chăm sóc cẩn thận để vi khuẩn không xâm nhập và phát triển”.
Nguồn nước tưới cũng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mộc nhĩ. Đó phải là nguồn nước đã qua hệ thống bể lọc nhằm loại bỏ các tạp chất. Đặc biệt, cần chú ý tới độ ẩm phù hợp, giúp mộc nhĩ có cánh dày và đẹp mắt hơn.
Ngoài chú trọng đến năng suất, ông luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, với ông, kinh doanh cho người cũng là kinh doanh cho mình, ai cũng muốn được sử dụng sản phẩm an toàn. Từ cái tâm, cái đức đó, sản phẩm mộc nhĩ sạch, không chứa chất độc hại của gia đình ông được nhiều người biết tới, tiêu thụ rất nhanh. Không chỉ người trong huyện thu mua, mà nhiều thương lái ở các quận khác, tỉnh khác cũng tìm tới.
Không những làm giàu cho bản thân, xưởng sản xuất mộc nhĩ của gia đình ông Điểm đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 – 15 công nhân, vào thời vụ lên đến 30 lao động với mức thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/ tháng.
Bên cạnh đó, ông còn giúp nhiều hội viên nông dân mở cơ sở sản xuất mộc nhĩ, chia sẻ cho họ kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật sản xuất. Qua đó, vừa góp phần đảm bảo sản xuất gia đình, vừa giúp người dân giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Mô hình sản xuất mộc nhĩ của ông Điểm cho thấy sự cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất của người nông dân sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Đồng thời, góp phần tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.
Với những kết quả đó, nhiều năm liền, ông Nguyễn Đình Điểm đạt danh hiệu “hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Năm 2016, ông được UBND huyện Hoài Đức khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo”.
Theo Hồng Hải/ Lao động thủ đô
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn