Ông Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1959, cư ngụ tại ấp Kênh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông trải qua một giai đoạn hết sức nghèo khó.
Ông từng làm nhiều nghề để sinh sống, từ làm thuê mướn đến chăn nuôi lợn, gà…Quanh năm vất vả là thế nhưng vẫn không đủ ăn, phải chạy vạy lo toan đầu tắt mặt tối mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Kinh tế gia đình ông đã có bước ngoặt thay đổi lớn lao vào thời điểm năm 2013, khi gia nhập Hợp tác xã Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công), được hướng dẫn chuyển giao quy trình chăn nuôi gà ta Gò Công theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Tòng cho biết, nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của hợp tác xã, gia đình mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư 40 triệu đồng làm chuồng trại chăn nuôi quy mô 1.000 con gà ta Gò Công thịt mỗi lứa (kéo dài trong khoảng 100 – 110 ngày sẽ xuất chuồng).
Hợp tác xã Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn theo tiêu chí VietGAP, cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản và thu hồi tiền đầu tư sau khi xã viên đã bán sản phẩm của mình.
Đặc biệt, áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, Hợp tác xã còn liên kết với các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh theo chuỗi giá trị nhằm tiêu thụ nông sản của xã viên với giá ổn định, đảm bảo có lãi và xã viên an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Cụ thể, gà ta Gò Công thịt, loại gà mái được thu mua giá 70.000 đồng/kg, gà trống giá 55.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Tòng cho biết, trong năm đầu tiên, ông nuôi thử nghiệm quy mô 1.000 con lứa.
Mỗi năm quay được 2,5 vòng. Tính ra, mỗi lứa gia đình ông lãi ròng 20 triệu đồng. Trong năm, ông thu lãi 50 triệu đồng từ nuôi gà ta Gò Công an toàn theo tiêu chí VietGAP.
Có lãi khá, ông trang trải nợ nần và tái đầu tư trở lại để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập.
Theo ông Tòng, nuôi gà ta Gò Công theo quy trình VietGAP không quá khó khăn, phức tạp, phù hợp với trình độ chăn nuôi của xã viên.
Quan trọng là áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi đã được hướng dẫn, chịu khó ghi chép sổ sách, theo dõi sức tăng trưởng của đàn gà và phòng chống dịch bệnh kịp thời.
Đáng chú ý, gà ta Gò Công nuôi theo mô hình thả vườn, có chuồng trại và sân chơi cho gà đã giúp tăng sức đề kháng, tăng chất lượng thịt gà khi xuất chuồng, thị trường rất ưa chuộng.
Qua 5 năm gắn bó HTX Chăn nuôi – thủy sản Gò Công và lập nghiệp với mô hình nuôi gà ta Gò Công VietGAP, ông Nguyễn Thanh Tòng tích lũy được kỹ thuật, kinh nghiệm để thành công; tích lũy được vốn, tạo dựng cơ nghiệp bền vững.
Ông Tòng khoe, từ quy mô ban đầu chỉ nuôi 1.000 con/lứa, năm 2017, gia đình mở rộng quy mô đầu tư chuồng trại nuôi 8.000 con gà ta Gò Công/lứa, thu lãi 160 triệu đồng sau khi xuất chuồng, bán sản phẩm.
Tính ra, với 2,5 vòng quay trong năm, gia đình ông thu lãi ròng 400 triệu đồng/năm, trở thành một trong những triệu phú gà ta Gò Công tiêu biểu ở vùng đất mặn ven biển đầy khó khăn của huyện Gò Công Đông.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công cho biết, chăn nuôi gà ta Gò Công theo mô hình thả vườn an toàn VietGAP là hướng đi đúng của hợp tác xã, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và chủ trương “thành viên giàu, hợp tác xã vững mạnh”.
Ông Kiệt cho biết, ông Nguyễn Thanh Tòng là thành viên tiêu biểu áp dụng thành công mô hình và quy trình do hợp tác xã hướng dẫn.
Từ đó, có sức lan tỏa giúp đến nay 100% hộ thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công đã vươn lên vượt qua nghèo khó và lập thân lập nghiệp, có mức sống từ khá đến giàu có.
Hộ thấp nhất mỗi năm thu lãi ròng 40 – 50 triệu đồng, hộ cao nhất thu từ 400 – 500 triệu đồng như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Tòng ở ấp Kênh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông.
Nhờ làm ăn uy tín và chất lượng đã khẳng định trên thị trường, 100% sản phẩm gà ta Gò Công do Hợp tác xã sản xuất đều được các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh như: Công ty San Hà, Công ty Phạm Tôn bao tiêu toàn bộ.
Đây cũng là Hợp tác xã điển hình ở Tiền Giang trong tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với liên kết chuỗi giá trị bền vững mà những xã viên quanh năm chân lấm tay bùn như ông Nguyễn Thanh Tòng đang hưởng lợi, đổi đời thật sự.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn