Bà Tống Thị Mẫm bên đoạn đường được mở rộng sau khi gia đình bà đã hiến đất, bên trong là cây hương vừa được di dời
Nhà nhà, người người hiến đất
Tại xã Tam Đa (Vĩnh Bảo), thôn Đông là một trong những thôn có số hộ tham gia hiến đất làm đường bê tông nông thôn nhiều nhất trên địa bàn xã.
Trước đây, con đường trục chính chạy qua thôn rất hẹp, bụi bặm, lầy lội, người dân đi lại khó khăn. Khi bắt tay vào làm nông thôn mới, chính quyền địa phương chủ trương làm mới đồng thời mở rộng con đường.
Ngay khi được cán bộ thôn vận động, gần 20 hộ dân có con đường đi qua đồng loạt hiến tổng cộng gần 1 nghìn m2 đất, tự phá dỡ cổng và tường bao xây dựng kiên cố để thôn mở rộng đường. Có hộ đã hiến hàng trăm m2 đất thổ cư.
Đến nay, bộ mặt thôn Đông trở nên khang trang hơn, người dân đi lại thuận tiện trên con đường bê tông rộng 5m, dài gần 1km.
Nhận thức được phương châm người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, sau cuộc họp của thôn, bà con thôn 5 (xã Hòa Bình) đã nhất trí hiến một phần ruộng để mở rộng con đường nội đồng cho xe cơ giới đi được.
Con đường trục chính dẫn ra cánh đồng thôn 5 vốn là đường đất, rộng chưa đến 1m, mỗi khi đi chăm sóc lúa, nhất là vào vụ thu hoạch, bà con phải vận chuyển lúa thủ công trên quãng đường bờ ruộng dài hơn 1 cây số.
Sau khi các hộ dân tình nguyện hiến đất, con đường ra đồng của thôn 5 đã đổi khác hoàn toàn. Nhìn con đường trải bê tông chắc chắn, rộng tới 5m, các loại xe cơ giới chạy bon bon, máy cày bừa, máy gặt đập liên hợp vào được tận ruộng, bà con vô cùng phấn khởi.
Một trong những xã đi đầu trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới của huyện là xã Vĩnh Tiến. Người dân nơi đây nhận thức được việc mở rộng làm đường nông thôn mới vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của mình và các thế hệ con cháu.
Ông Nguyễn Văn Chẵn (thôn 2, xã Vĩnh Tiến) cho biết: “Gia đình tôi vừa xây xong cái cổng mới, trị giá gần 60 triệu đồng, nhưng khi thôn có nhu cầu mở rộng đường, gia đình tôi đã bàn bạc và thống nhất tự nguyện phá dỡ”.
Còn tại thôn Bắc Thượng Trung (xã Liên Am), để mở rộng đường trục thôn, phải “phạm” và đất của nhiều nhà, đặc biệt một số nhà có công trình thờ tự như miếu, mộ, cây hương...
Có nhà do có mộ nằm ven đường, không muốn phải di dời nên họ chỉ hiến một phần đất, riêng phần đất có mộ thì giữ lại nên con đường bị thắt lại một đoạn.
Gia đình bà Tống Thị Mẫm có cây hương trong vườn nhà, sát mép đường, nếu muốn đường mở rộng, bà phải di dời cây hương. Đối với người dân nông thôn, những nơi thờ tự như vậy vô cùng quan trọng, việc phá dỡ hay di dời là rất hệ trọng, nhiều khi là bất khả.
Ông Nguyễn Thành Phố, trưởng thôn Bắc Thượng Trung cho biết, cán bộ thôn đã trực tiếp đến gặp gia đình bà Mẫm để vận động hiến đất. Bởi nếu bà không đồng ý thì thôn cũng phải chấp nhận con đường “trồi thụt”, tức là đường đang rộng 5m, bỗng “thắt cổ chai” một đoạn chừng vài mét. Rất may bà đã đồng ý.
Công bằng, đồng thuận
Để các hộ hiến đất đỡ bị thiệt thòi, các địa phương cũng có nhiều cách làm sáng tạo để cộng đồng cùng chia sẻ trong việc xây dựng nông thôn mới.
Vẫn có hộ không muốn hiến phần đất có công trình thờ tự
Ở thôn 5 xã Hòa Bình, khi các hộ 2 bên đường hiến đất mở rộng con đường nội đồng thì các hộ phía bên trong cũng bảo nhau “sẻ” đất ruộng cho những hộ đã hiến đất.
Còn ở xã Vĩnh Tiến, theo ông Trần Văn Tiến - Bí thư Chi bộ thôn 2, việc vận động người dân hiến đất làm đường không chỉ tuyên truyền bằng lời nói mà còn bằng hành động.
Các cán bộ lão thành đã từng làm công tác ở xã, thôn qua các thời kỳ, các cụ cao tuổi cũng là những người đi đầu trong việc tự nguyện hiến đất, từ đó thu hút được nhân dân tham gia.
Còn các hộ không nằm ở hai bên đường, không phải hiến đất thì ủng hộ tiền vào quỹ chung của thôn, quỹ này sẽ dành cho những hộ đã hiến đất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn