Hành trình thuần dưỡng giống dâu
Nhắc đến dâu tây có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến dâu tây Đà Lạt, chứ ít người biết rằng ở Gia Lai cũng có vườn dâu tây “khủng” không thua kém. Đó là vườn dâu của lão nông Đặng Cương (72 tuổi), xã An Phú, TP.Pleiku. Từ lâu ông Cương đã bức xúc vì đất đai cằn cỗi chỉ trồng được các loại rau, củ theo từng mùa, phải lệ thuộc vào vựa rau mà giá cũng ngày một xuống thấp. Sau nhiều đêm tìm tòi, nghiên cứu các giống cây trồng, cuối cùng ông quyết định đến với giống dâu tây New Zealand. Ông là người tiên phong đưa giống dâu từ Đà Lạt về thử nghiệm tại Gia Lai.
Lão nông U80 Đặng Cương phấn khởi bên vườn dâu tây đang cho thu hoạch
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cương cho biết: “Một lần tình cờ lên Đà Lạt chơi, thấy người ta trồng dâu tây nhiều mà Gia Lai chưa có nên tôi học hỏi cách làm... Sau đó tôi lấy một ít giống về thử nghiệm, nhưng trồng được mấy hôm là chết. Lý do là nhiệt độ giữa Đà Lạt và Gia Lai chênh lệch nhau, bên thì lạnh, bên thì nóng mà cây dâu tây thích lạnh. Gần 2 năm trời cấy, ghép rồi nhân giống từ cây mẹ thành cây con, rồi cứ thế qua từng đời, từng đời nên một thời gian sau cây dâu tây Đà Lạt cũng đã thích nghi dần với khí hậu ở Gia Lai...”.
Giống dâu tây New Zealand của ông Cương rất ngọt, giòn và thơm hơn giống dâu tây thường
Sau 2 năm kiên trì cấy, ghép nhân giống từ râu của cây dâu mẹ, hiện tại ông Cương đang sở hữu hơn 11.000 gốc dâu. Toàn bộ vườn dâu với diện tích hơn 1.000m2 nhà kính được ông lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, giàn lưới che và các trụ ống nước chắc chắn đảm bảo các điều kiện để dâu phát triển.
Vườn dâu của ông Cương được che chắn cẩn thận bằng lưới của Nhật Bản
Cũng theo ông Cương, lưới che để làm nhà kính trồng dâu tây phải sử dụng của Nhật mới bền. Lưới này sử dụng được từ 4 đến 5 năm, côn trùng không bay vào được, lại hạn chế được ánh nắng nên nhiệt độ trong vườn dâu luôn ổn định ở mức thấp.
Thu hoạch không kịp bán
Dù đã ở tuổi 72, hàng ngày ông Cương vẫn tất bật từ sáng đến tối với vườn dâu tây. Khi thì chăm sóc, bón phân, hái quả, lúc thì chỉ dạy bà con cách trồng, cấy ghép thành những cây con. Vừa hái dâu, ông Cương vừa cười nói: “Thực ra trồng dâu này chỉ cần kiên trì, chịu khó tìm hiểu kỹ đặc tính, môi trường sống của nó một chút thì rất dễ. Bình thường cây dâu sẽ phát triển tốt ở môi trường nhiệt độ khoảng 25 - 27 độ C. Trước khi trồng thì lấy xơ dừa tạo độ ẩm, xốp cho đất, sau đó tăng cường phân chuồng, tuyệt đối không được dùng phân hóa học. Ngoài ra, để cây dâu không bị sâu, bệnh nấm... nên sử dụng các chế phẩm hữu cơ như: Nano bạc, Nano đồng...”.
1 kg dâu tây được ông Cương đóng hộp bán với giá 200.000 đồng, nhưng cũng không đủ hàng để bán
Cây dâu tây trong vườn ông Cương thường có vòng đời hơn 1 năm, cho thu quả từ 5 - 6 lần. Hiện tại, quả dâu tây New Zealand của ông Cương được bán với giá 200.000 đồng/kg, song những ngày vừa qua ông vẫn không đủ cung cấp cho người mua. Trung bình mỗi ngày ông Cương thu hoạch khoảng 10 - 20kg dâu tây, bỏ túi từ 2 - 4 triệu đồng, có thời điểm dâu chín nhiều thu được gần 40 kg/ngày.
.
Quá trình cấy ghép từ mô cây mẹ tạo thành những cây dâu tây con ngay tại vườn nhà
Bên cạnh việc bán quả dâu, ông Cương còn cấy, ghép những chiếc râu của dâu mẹ thành những cây con hoàn chỉnh, rồi bỏ vào những chiếc bình treo làm cây dâu cảnh, bán với giá 150.000 đồng/chậu. Khi những quả dâu bị sâu ăn hay bị méo móp, không phát triển, còi cọc thì ông ngâm với đường để ủ thành rượu.
Ông Cương đang bán những chậu dâu cảnh bán với giá 150.000 đồng
Ông Cương cho hay: “Mọi năm lượng quả xấu nhiều, tôi ngâm rượu bằng những chiếc bình 3 lít, giá mỗi bình 300.000 đồng. Còn năm nay ít sâu bệnh hơn, quả đều nên không có dâu xấu để ngâm, tết này coi như không có giọt rượu dâu nào để bán rồi”.
Giống dâu tây của ông Cương không chỉ ngọt, giòn và thơm mà còn khá sai quả
Theo Trần Hiền /Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn