Những tỷ phú chân đất
Vượt qua những khó khăn về "bão" giảm giá lợn, gà, rau quả,... hay những tác động khôn lường của thời tiết do biến đổi khí hậu, nhiều nông dân vẫn tìm tòi sáng tạo, vươn lên, tìm cho mình hướng đi riêng để làm giàu từ nông nghiệp.
Tại cuộc Họp báo công bố 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, ban tổ chức cho biết, phần lớn đó là những tỷ phú nông dân. Đáng chú ý, trong số đó, có những người nhờ làm nông mà mỗi năm thu từ 100-360 tỷ đồng, lợi nhuận thu về đạt 10-20 tỷ đồng/năm.
Nhờ trồng cao su và hồ tiêu mà ông Trịnh Đình Cây thu lợi nhuận từ 5-10 tỷ đồng/năm (ảnh Hữu Ký) |
Đơn cử, anh nông dân 46 tuổi Nguyễn Văn Đoàn ở Tổ 18, thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư cho nông dân trồng củ cải, cà rốt,... từ A đến Z, trên diện tích vài ngàn hec ta, sau đó anh bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ, kể cả khi giá xuống thấp cũng mua. Nguyên tắc của anh là không bao giờ chối bỏ sản phẩm của các hộ dân mà anh đầu tư liên kết.
Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động trồng trọt của anh lên tới 360 tỷ đồng/năm. Trừ đi chi phí, mỗi năm anh lãi khoảng 18 tỷ đồng. Riêng các hộ dân liên kết với anh cũng lãi ròng 120 triệu đồng/ha/năm. Hàng trăm hộ nông dân ở Tây Nguyên vì thế đã thoát nghèo.
Hay cách làm giàu của lão nông 70 tuổi Nguyễn Đình Cây ở Long Thủy (Phước Long, Bình Phước) cũng khiến nhiều người thán phục. Chỉ nhờ cây hồ tiêu, cây cao su mà doanh thu của ông đạt 120 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 5-10 tỷ đồng/năm.
Ông Cây chia sẻ, vốn là cựu chiến binh, ông bắt đầu khởi nghiệp làm nông với đồng vốn vỏn vẹn 100 đồng (khoảng 3 chỉ vàng). Song, sau nhiều năm chăm chỉ, giờ ông đã có vườn tiêu rộng 20 ha và 5ha tiêu sạch. Đặc biệt, lão nông chân đất này cho rằng, là nông dân thì phải lấy nông nghiệp làm gốc, phải có niềm đam mê. Đấy là lý do quan trọng dẫn đến thành công của ông ngày hôm nay.
Cũng đam mê với nghề, biết tìm hướng đi riêng nên giữa cơn “đại khủng hoảng lợn” diễn ra suốt gần một năm qua, ông Tô Hiến Thành ở Danh Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn trụ vững với trang trại lợn hữu cơ của riêng mình, thu về 10-12 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 3-3,5 tỷ đồng/năm.
Phát triển lợn theo hướng hữu cơ nên ông Tô Hiến Thành có thể lãi vài tỷ đồng/năm bất chấp đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua (ảnh: Trần Quang) |
Nhân rộng các điển hình nông dân sản xuất giỏi
Chia sẻ về những gương mặt nông dân đạt danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2017”, ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, cho hay, đây đều là những nông dân giỏi, có tinh thần trách nhiệm, có ý chí vươn lên. Nhiều người, ngoài sự cần cù chăm chỉ, còn có tinh thần ham học hỏi, chịu khó tìm tòi sáng tạo ra những cách làm hay để áp dụng vào công việc trồng trọt, chăn nuôi, giúp tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, để đạt được thành công, họ cũng phải trả giá nhiều lần, cũng phải chịu nhiều thất bại. Song, khi đạt được kết quả, họ lại duy trì rất tốt mô hình hoạt động của mình và giúp đỡ những người nông dân khác, ông Nam cho biết.
Thừa nhận điều này, ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, dẫn chứng, “vua vịt trời” Bắc Ninh Nguyễn Đăng Cường là nông dân xuất sắc năm 2015. Khi ấy, anh Cường mới chỉ nuôi vịt trời trên diện tích 2ha, giờ diện tích trang trại đã lên tới 6ha. Ngoài nuôi vịt bán thịt, anh còn đã phát triển lên thành công ty, chế biến món vịt xông khói xuất khẩu vịt sang Nhật Bản.
Hay như ông Tô Hiến Thành cũng có hướng đi riêng trong chăn nuôi lợn và đạt được nhiều thành công, bất chấp đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua.
Trước đó, ông Lương Quốc Đoàn, Phó chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, cũng cho biết, 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội phát động đã tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn. Mọi nông dân cùng hăng hái thi đua trong gia đình, trong xóm làng và cùng vươn lên làm giàu.
Thời gian tới, Hội sẽ giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cụ thể để khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ nông sản và nâng cao hàm lượng khoa học trong từng loại nông sản.
Xuất hiện 27.000 tỷ phú nông dân Qua 5 năm 2012-2017, phong trào nông sản thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đã có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tăng gần 5 lần so với giai đoạn trước đó. Ngoài ra, có tới 2,2 triệu hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; 775.000 hộ đạt từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; 340.000 hộ đạt 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; số hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng là 165.000 hộ. |
Bảo Phương/vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn