Xây dựng trang trại làm “của để dành”
Ông Lò Xuân Hồ bắt đầu xây dựng mô hình trang trại của mình hơi muộn, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ xã hội. Sinh năm 1959, năm 1978 ông nhập ngũ, rèn luyện trong môi trường quân đội đến năm 1990 thì ra quân, trở về địa phương. Tại quê nhà, ông tiếp tục tham gia công tác tại xã và trải qua nhiều cương vị công tác, làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2005 đến năm 2015. Trong suốt những năm tháng lãnh đạo xã, Chiềng Khay luôn là một điểm sáng của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. “Dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương, chúng tôi vận động bà con thực hiện các dự án trồng rừng. Những năm đó, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã luôn đạt 67 – 70%”, ông Hồ tự hào khoe.
Năm 2016, sau khi nghỉ hưu, ông Hồ mới có cơ hội và thời gian thực hiện mơ ước của mình, đó là xây dựng một mô hình trang trại tổng hợp. Để thực hiện mơ ước này, đầu tiên ông thành lập Hợp tác xã Chiềng Khay Xanh do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, tạo cơ sở cho những giao dịch kinh tế sau này. Dựa trên đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, ông chọn mô hình nuôi bò nhốt và trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Những kiến thức, kinh nghiệm có được trong suốt thời gian lãnh đạo xã đã giúp ông rất nhiều trong việc xây dựng mô hình. Vậy mà khi triển khai vào thực tế, ông cũng vấp phải không ít khó khăn. “Xác định áp dụng mô hình nuôi nhốt nên tôi trồng 3ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho 30 con bò, nhưng không trồng gối vụ mà xuống giống đồng loạt, thế là lứa đầu tiên bò ăn không hết nhưng đến lứa sau lại thiếu, phải mua cỏ từ nơi khác chuyển về”, ông Hồ nhớ lại.
Bây giờ thì đàn bò 30 con đã sinh trưởng và phát triển ổn định, lớn nhanh hơn nhiều so với phương pháp chăn thả truyền thống của bà con. Ông cũng đã bán vài con để đánh giá chất lượng thịt của bò nuôi nhốt. Không dừng lại ở đó, ông còn cung cấp giống cỏ miễn phí cho bà con trong thôn, bản, đồng thời vận động bà con hạn chế thả rông gia súc, áp dụng nuôi nhốt để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Với những diện tích đất dốc, ông trồng các loại cây ăn quả như bơ, chanh leo, lê, mận hậu, mận tam hoa và 3ha cây sưa. Riêng sưa thì ông bảo trồng “để dành cho con cháu”.
Tôi hỏi: “Để phủ xanh được 42 diện tích trang trại, chắc hẳn ông phải trải qua rất nhiều gian nan?”, ông Hồ trầm ngâm nhìn những hàng cây đã bén rễ sâu dưới lòng đất và nói: “Tôi đã đầu tư vào đây ngót nghét 3,6 tỉ đồng, quá trình cải tạo đất để trồng cây vô cùng vất vả. Chưa kể công san đất, đào hố trồng, chỉ tính công xây dựng đường ống dài tới 3,2km để dẫn nước về trang trại đã là một hành trình gian nan. Tập quán thả rông trâu bò của bà con cũng làm tôi tốn kém một khoản đáng kể để làm hàng rào lưới thép B40 bao xung quanh trang trại, chiều dài lên tới 4km”.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, vườn cây của ông đã khép tán, lên xanh tốt. Năm 2017, ông đăng ký tham gia dự án trồng chanh leo của UBND huyện, giống do Công ty Nafoods cung cấp. Ngay trong vụ đầu tiên, 1,3ha chanh leo đã cho 15 tấn quả, bán với giá bình quân 15.000 đồng/kg, ông cũng có nguồn thu đáng kể. Ngoài ra, ông còn nuôi hàng trăm con gà thả vườn, lợn rừng để tăng thêm nguồn thu nhập. Hiện, trang trại đang tạo việc làm cho 6 công nhân với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Học cách làm việc chuyên nghiệp
Đó là điều ông Lò Xuân Hồ rút ra được khi xây dựng cơ sở chưng cất tinh dầu sả, màng tang. Năm 2016, sau khi tham quan mô hình của một người bạn ở Tuyên Quang, ông quyết định mang giống sả Ấn Độ về, hợp đồng với bà con trong xã trồng 15ha, khi đến kỳ thu hoạch, ông thu mua lá với giá 5.000 đồng/kg. Lá mang về rửa sạch, cho vào lò nấu cả ngày đêm để chưng cất lấy tinh dầu (quy trình giống như chưng cất rượu thủ công). Hiện, mỗi năm ông sản xuất được 5 – 6 tạ tinh dầu sả, hợp đồng bán cho Công ty Việt Úc (TP.Hồ Chí Minh) với giá 600.000 đồng/lít.
Còn với tinh dầu màng tang, ông cho biết, màng tang là một loại lâm sản của địa phương, cây ra quả vào tháng 4, 5, 6 hàng năm, tuổi thọ của cây chỉ khoảng 3 năm, khi quả già rụng xuống đất sẽ mọc cây khác. Vì vậy, ông hướng dẫn bà con bảo vệ diện tích màng tang, mua bạt về rải dưới gốc, quả rụng thì thu gom bán cho cơ sở của ông với giá 5.000 đồng/kg, riêng tinh dầu màng tang có giá 800.000 đồng/kg, cũng do Công ty Việt Úc thu mua làm nguyên liệu chiết xuất nước hoa.
Ông Hồ bảo, điều làm ông vô cùng ấn tượng là sự chuyên nghiệp trong cách người ta thu mua sản phẩm. Theo đó, phía công ty cử hẳn một đoàn chuyên gia nước ngoài đến kiểm tra quá trình trồng rừng, đánh giá xem quá trình thu gom quả màng tang và trồng sả có ảnh hưởng đến diện tích rừng không, xung quanh vùng nguyên liệu bà con có làm ruộng, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không. Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện, họ ký hợp đồng, cân hàng và trả tiền.
Cũng như vậy với dự án trồng chanh leo tím, dù Công ty Nafoods đã ký hợp đồng nhưng do trang trại của ông chưa đáp ứng đủ số lượng nên xe của công ty không thể vào thu mua. Ông nhận ra, muốn xây dựng được mô hình liên kết, bên cạnh sự minh bạch (giống như việc trồng sả hay thu gom quả màng tang không gây ra tác hại xấu với rừng) thì phải có số lượng đủ lớn. Vì vậy, ông Hồ đang có ý định mở rộng thêm 5ha trồng chanh leo, đồng thời vận động bà con trồng thêm khoảng 15ha, ông có trách nhiệm thu mua cho bà con để cung cấp cho Nafoods.
Bây giờ, khi trang trại đã dần hình thành, ông Lò Xuân Hồ lại nuôi tham vọng biến nơi đây thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Với sự năng động, sáng tạo, ông Lò Xuân Hồ đã đi tiên phong trong nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mô hình trang trại của ông trở thành điểm tham quan, học tập lý tưởng. Nhiều bà con dân tộc Thái đã nhìn thấy hiệu quả từ mô hình nuôi bò nhốt đã học tập làm theo, các hộ trồng sả cho ông có nguồn thu cả chục triệu đồng, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Tôi tin, nếu có thêm nhiều trang trại như của ông Hồ, chắc chắn tiềm năng đất đai của Chiềng Khay sẽ được đánh thức.
Theo Anh Thơ/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn