Ông Nguyễn Văn Hữu (SN 1966), trú tại xóm 1, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được biết đến là nông dân dám nghĩ, dám làm. Bởi ông là người đầu tiên đưa mô hình trồng cây cảnh lên vùng đất cằn miền núi xã Hưng Yên Bắc.
Năm 1992, xã Hưng Yên Bắc có chủ trương di cư lên khai phá vùng kinh tế mới, vợ chồng ông Hữu cùng nhiều hộ dân khác đã xung phong vào bãi đất Đa Đa để lập nghiệp. Với niềm đam mê người đàn ông này đã mạnh dạn đầu tư vốn để ươm trồng cây cảnh.
Lúc đầu bàn kế hoạch về ươm trồng cây cảnh, vợ ông Hữu không đồng ý bởi cho rằng chồng không am hiểu về những loại cây này. Hơn thế nữa, bà cho rằng ở vùng nông thôn nghèo đói này, cơm không đủ ăn lấy đâu tiền mua cây cảnh. “Phải thuyết phục mãi vợ mới đồng ý cho tôi làm. Để làm vườn cây cảnh tôi phải đi khắp các tỉnh thành như: Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Bến Tre,… để học hỏi cách ghép cây và tạo thế cây cảnh”, ông Hữu chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ông đã nhiều lần thất bại, hao hụt vốn rất nhiều, thậm chí có thời điểm trắng tay. Mặc dù thất bại nhưng người đàn ông này quyết định không từ bỏ. Ông không nản chí mà tiếp tục liều vay vốn, rồi học hỏi qua sách báo, thậm chí nhờ con tìm tài liệu ở trên mạng để nghiên cứu.
Ban đầu, ông chuyển đổi đất cằn Đa Đa ở xóm, xã Hưng Yên Bắc thành đất để ươm trồng cây cảnh. Sau đó, khi có kinh nghiệm, ông mở rộng thêm đất để ươm giống. Hiện tại, diện tích ông dành trồng cây cảnh, cây ăn quả 2,2ha với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Sắp tới đây, ông Hữu còn dự định mua thêm 1.500m2 đất để mở rộng thêm. “Khi đã học hỏi thành công quá trình ươm và tạo thế cây cảnh tôi rất đau đầu về chuyện đầu ra. Tôi phải đi đến các công trình công cộng ở trong tỉnh đặt vấn đề họ mua cây cảnh. Sau dần dần, do chất lượng loại cây tốt, giá cả hợp lý nhiều khách hàng rỉ tai nhau và bây giờ tôi đã có những mối hàng ổn định”, lão nông Hữu cho biết.
Ngoài việc ươm trồng cây cảnh, ông Hữu còn đào ao thả cá với diện tích khoảng 2.000m2m2, mỗi năm thu được khoảng 4 tấn cá thương phẩm, mỗi năm trừ các chi phí cũng được trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn phát triển mô hình chăn nuôi gia sức, gia cầm,... mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hữu còn có lãi ròng 3-4 tỷ đồng.
Với mô hình này, ông có tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 công nhân. Mỗi tháng ông trả cho họ tiền lương từ 7 – 9 triệu đồng. Đến mùa vụ thì ông phải tuyển thêm công nhân từ 12 – 13 người.
Ngoài làm kinh tế giỏi, người đàn ông này còn có tấm lòng đầy nhân ái. Ông thường dành một khoản tiền để ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, những người gặp nạn,…
Từ những nỗ lực đó, ông Nguyễn Văn Hữu thường được biểu dương là điển hình nông dân tiêu biểu cấp huyện, tỉnh trong nhiều năm liền. Đặc biệt trong năm 2017, ông Nguyễn Văn Hữu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, được tham dự hội nghị điển hình nông dân tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.
Theo Hà Hằng/baonguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn