Đó là phương châm làm kinh tế của vợ chồng anh Ngô Văn Minh ở ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Vợ chồng anh là những nông dân trẻ có sự năng động, nhạy bén và sáng tạo, dám nghĩ dám làm, xây dựng kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh kể, trước đây gia đình chủ yếu làm lúa, nhưng không mấy hiệu quả, kinh tế không dư dả gì. Với ý định chuyển đổi sản xuất nhưng chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả và ổn định, anh đã tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, học tập kỹ thuật sản xuất trong chăn nuôi và trồng trọt do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi tổ chức. Sau đó, vợ chồng anh quyết định chọn mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để sản xuất. Và anh đã chọn bò sữa là vật nuôi chính của gia đình.
Ban đầu anh nuôi 6 con bò sữa. Ngay năm đầu tiên, gia đình anh thu được sữa và 2 con bê, tạo thêm động lực để anh phát triển chăn nuôi bò sữa nhanh và hiệu quả. Chia sẻ về vấn đề này, anh Minh nói: “Nhờ có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của nhiều gia đình chăn nuôi đi trước trong việc chọn giống, đảm bảo lịch tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò của gia đình tôi phát triển nhanh”. Hiện nay, sau 6 năm, đàn bò của anh có hơn 20 con, trong đó có 8 con vắt sữa và 6 con bê.
Để đạt được kết quả đó, ngoài sự lao động chăm chỉ, anh còn linh hoạt, nhạy bén kết hợp phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để có thể xoay chuyển, hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất. Ví dụ như để tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, anh trồng cỏ làm thức ăn cho bò; hoặc như trồng bắp nếp, sau khi lấy trái bán có lợi nhuận, phần thân bắp anh dùng làm thức ăn cho đàn bò, vừa giảm chi phí, vừa tạo được nguồn thức ăn xanh với dinh dưỡng khá tốt. Ngoài ra, anh còn tận dụng 5.000m2 đất của gia đình trồng rau ăn lá, ăn quả như khổ qua, dưa leo, bầu, bí, xà lách, rau ngót… Theo anh, đây cũng là một trong những nguồn thu không nhỏ, góp phần tạo dựng kinh tế cho gia đình.
Là một nông dân năng động, nhiệt huyết, cần mẫn, hăng say nghiên cứu học tập và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau nhiều năm nỗ lực lao động, vợ chồng anh đã đạt được nhiều kết quả, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, có điều kiện chăm lo cho gia đình và con cái được đầy đủ, sung túc.
Anh chia sẻ: “Người nông dân quanh năm gắn bó với cây trồng, vật nuôi, nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ dậm chân một chỗ trên đất ruộng, chuồng trại, mà phải biết kết hợp giữa cái mới và cái cũ, cái lớn và cái nhỏ, mới thấy được cái hay, cái lợi trong sản xuất. Với tôi, làm nông nghiệp là một công việc sâu rộng, phải biết “lấy ngắn nuôi dài” mới ổn định được”.