Theo ông Nguyễn Hoàng Hôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi hàu lồng xã Đất Mũi, việc liên kết trong nuôi trồng thuỷ sản hiện nay rất cần thiết. Bởi đa phần nông dân làm ra sản phẩm phải phụ thuộc vào việc thu mua của các doanh nghiệp. Nếu họ tăng giá thì nông dân phấn khởi, sản xuất sẽ thu lãi cao và ngược lại.
Điểm sáng liên kết
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết, muốn kinh tế càng phát triển thì quá trình liên kết giữa nông dân với nông dân rất quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tăng thu nhập cho nông dân. Chỉ có liên kết sản xuất thì nông dân mới đủ mạnh để cung cấp sản phẩm đảm bảo số lượng, chất lượng cho người tiêu dùng. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Minh chứng cho vấn đề này là việc xây dựng thành công thương hiệu tôm khô Rạch Gốc. Hiện có 1 hợp tác xã và 5 cá nhân sử dụng, khai thác nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc. Từ năm 2011 đến nay, thị trường tôm khô Rạch Gốc đã vươn xa ngoài tỉnh, được các công ty, siêu thị ở Sài Gòn bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, không chỉ tăng về số lượng sản xuất mà doanh thu cũng tăng, mỗi năm các chủ cơ sở thu nhập trên 1 tỷ đồng, hàng trăm lao động có việc làm ổn định.
Ông Hồng Chí Tâm, chủ cơ sở sản xuất tôm khô Rạch Gốc, chia sẻ: Thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định là cơ sở để hình thành các liên kết giữa người sản xuất, cung cấp nguyên liệu với doanh nghiệp. Mối liên hệ này nhằm xây dựng kênh tiêu thụ mới, loại bớt các khâu trung gian, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, từ đó nông dân có lãi cao hơn.
Cần thay đổi để phát triển
Huyện Ngọc Hiển có thế mạnh về nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; hằng năm tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt gần 60.000 tấn thuỷ sản các loại, đem về nguồn thu nhập khá lớn cho người dân. Tuy nhiên, địa phương hầu như chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tại địa phương; hầu hết ngư dân tự tìm kiếm thị trường, nên tình trạng ép giá thường xảy ra. Thêm vào đó, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng còn rời rạc, chưa tạo được sự thống nhất nên hiệu quả kinh tế chưa đạt theo mong đợi.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, mỗi năm, Ngọc Hiển có nhiều mô hình thu nhập trên 200 triệu đồng nhưng thiếu tính bền vững. Nhiều nông dân thấy mô hình đó làm ăn hiệu quả thì kéo nhau làm, không theo quy hoạch; dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm ứ đọng, nông dân không bán được sản phẩm dẫn đến mô hình không hiệu quả.
Do vậy, liên kết “4 nhà” trong sản xuất hiện nay rất cần thiết. Ngọc Hiển cần phải phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ, tay nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hướng dẫn và giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn sản xuất.
Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại chia sẻ: Liên kết “4 nhà” là chìa khoá để phát triển kinh tế cho nông dân, nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Huyện sẽ quy hoạch định hướng chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề liên kết trong sản xuất./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn