Chuối tiêu hồng sẵn sàng cho Tết Nguyên đán. |
Nhờ vậy, chỉ sau một vài năm đầu tư sản xuất, hầu hết các nhà nông đi thuê ruộng, đều có được nguồn thu nhập cao hoặc rất cao. Nhóm hộ trồng cây ăn quả trên đất thuê lại từ người dân xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh là một trong những minh chứng sinh động.
Anh Trần Văn Đoàn là một trong ba hộ, đồng sở hữu 14,5ha chuối tiêu hồng ở xã Đình Tổ dè dặt chia sẻ: Chúng em đều là người ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), vì đất chật người đông, diện tích canh tác ít, cực chẳng đã, mới phải rủ nhau lên đây thuê ruộng, trồng chuối theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, hy vọng sẽ thoát nghèo, làm giàu nhanh.
Nhờ mưa gió thuận hòa, năm vừa qua bọn em đã kết dư được gần 1,5 tỷ đồng từ diện tích canh tác đã nêu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng, chưa tính bao ăn, ở và đi lại khi cần. Dự kiến vụ chuối năm nay ước thu nhập tối thiểu đạt 1 tỷ đồng trở lên.
“Nghe kể thì rất ngon ăn, nhưng để có được những con số biết nói như trên, lại là cả một quá trình gian nan vất vả. Trước hết phải tìm được khu đất phù hợp với mục đích sản xuất kinh doanh, tại đó nhiều người dân đang canh tác không hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp. Sau đó phải được chính quyền địa phương nhiệt ủng hộ (trực tiếp là lãnh đạo các thôn, xóm).
Cuối cùng phải thương lượng sao cho thấu tình đạt lý với các hộ dân, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Khi đã thuê được đất rồi, còn phải chỉnh trang lại đồng ruộng, củng cố giao thông nội đồng, kéo điện lưới, khoan giếng để có chủ động nước tưới cây, nhằm đảm bảo thuận lợi cho cơ giới hóa tối đa mọi quá trình sản xuất”, anh Đoàn cho biết.
Anh Nguyễn Văn Tiến (trong nhóm trồng chuối với anh Đoàn) khẳng định: Liên kết sản xuất mới là chìa khóa thành công của mô hình. Bởi mỗi thành viên trong nhóm đều có một thế mạnh riêng, về khả năng quan hệ xã hội hoặc kinh nghiệm thâm canh cây trồng hay năng khiếu về dự báo thị trường...
Bao buồng chuối để phòng ngừa sâu bệnh. |
Sau khi kết hợp lại đã tạo lên sức mạnh tổng hợp, giúp sản xuất và kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, để liên kết hộ bền vững, các thành viên cần chân thành chia sẻ thông tin, giúp nhau thúc đẩy sản xuất, giảm thiểu rủi ro, gia tăng giá trị thu nhập, riêng về kinh tế các hộ phải tự hạch toán độc lập.
Được biết, sở dĩ nhóm liên kết của anh Đoàn chọn cây chuối tiêu hồng để bứt phá làm giàu, vì chuối tiêu hồng là cây trồng hàng năm, nhanh cho thu hoạch quả, ít sâu bệnh khi trồng trên đất mới, sản phẩm dễ bán trong nước và có khả năng xuất khẩu. Mặt khác, cây chuối được coi là cây lấy ngắn nuôi dài rất hiệu quả, thâm canh chuối tiêu hồng còn là thế mạnh của các anh.
Theo tính toán của các hộ cho thuê ruộng: Khu vực đất bãi ven sông Đuống này, trước đây chỉ trồng dâu hoặc ngô, không chủ động tưới tiêu, hiệu quả canh tác bấp bênh, năm được mùa mỗi sào cũng chỉ thu được hơn 1 triệu đồng, năm mất mùa âm luôn cả vào vốn, đôi khi còn mất trắng cả vốn lẫn lãi. Nay cho thuê lại ruộng, không phải đầu tư giống vốn, không thấp thỏm lo thời tiết thiên tai, vẫn có 1,3 triệu đồng/năm tiền cho thuê lại ruộng, ngoài ra còn có thời gian đi làm các dịch vụ lao động khác, đặc biệt ruộng đất trước sau vẫn là của mình, hết hợp đồng có thể thu hồi để gieo trồng, do vậy phần lớn các hộ ở đây đều hào hứng cho thuê lại ruộng.
Từ những ghi nhận thực tế trên chúng tôi thấy: Khoán ruộng lần 1 (khoán 10) đã hoàn thành sử mệnh lịch sử - xóa đói giảm nghèo cho nông hộ. Nên chăng nhà nước tiến hành khoán ruộng lần 2 – tạo hành lang pháp lý cho tích tụ đất canh tác lâu dài, để không còn ruộng hoang, sớm hình thành các mô hình hộ liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn hoặc rất lớn.
“Các hộ thuê ruộng canh tác trên địa bàn luôn chấp hành tốt mọi chính sách pháp luật của Nhà nước và qui hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời tích cực ủng hộ các quĩ an sinh xã hội tại cơ sở. Được địa phương đảm bảo an ninh trật tự xã hội, tạo thuận lợi về các thủ tục pháp lý hợp pháp khác” - ông Lê Văn Hải, Phó Bí thư xã Đình Tổ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn