Quang cảnh mua bán tấp nập khi tàu cá cập cảng. Ảnh: QUANG VINH
Liên tục "trúng biển"
Như thường lệ, ngày 19, 20 âm lịch, tàu của ông Thái Đỗ Bình, ấp Bình Hòa, xã Bình Châu lại tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Đây là chuyến ra khơi thứ 7 năm nay. Ông Bình cho biết, vài năm trở lại đây, việc đánh bắt hải sản thuận lợi. Như trong năm nay, với tàu có công suất 700CV, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt được gần 40 tấn hải sản, có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Nam, ấp khu 1, xã Bình Châu vừa trở về bờ với một vụ mùa bội thu cho biết, chuyến này trở về sau 10-15 ngày thu được từ gần 2 tấn mực. Với mức giá từ 150-250 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 150 triệu đồng.
Khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, vài năm trở lại đây, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ Nghị định 67, nhiều ngư dân đã mạnh dạn nâng cấp công suất máy hoặc đóng mới tàu vỏ thép hiện đại để đánh bắt xa bờ. Là người được vay vốn ưu đãi Nghị định 67 với số tiền gần 39 tỷ đồng, đóng mới 2 tàu vỏ thép hành nghề lưới rê, ông Nguyễn Đình Liến, ấp khu 1 cho biết: “Trước đây đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ, năng suất thấp, vì vậy tôi đã vay vốn ưu đãi đóng mới 2 tàu vỏ thép công suất 1000CV, bắt đầu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến biển thu lãi 100 triệu đồng”.
Ngư dân phân loại hải sản tại cảng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: THÀNH HUY
Mạnh dạn đầu tư, nâng cấp tàu
Ông Nguyễn Văn Việt, cán bộ phụ trách thủy sản xã Bình Châu cho biết, hiện trên địa bàn xã có 18 hồ sơ đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó 7 chiếc đã hạ thủy, đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu cá đánh bắt gần bờ (dưới 90CV) đã đầu tư nâng cấp công suất máy để đánh bắt xa bờ. Do đó từ năm 2015 đến nay, số tàu trên 90CV của xã đã tăng từ hơn 100 chiếc lên gần 200 chiếc.
Ông Nguyễn Văn Việt thông tin thêm, hiện xã Bình Châu đang có 565 chiếc tàu với tổng công suất 59.588CV. Các tàu trên địa bàn xã chủ yếu đánh bắt mực tại ngư trường của các tỉnh Đông Nam bộ. 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng đánh bắt toàn xã đạt 6.465 tấn, doanh thu gần 250 tỷ đồng, trong đó, sản lượng đánh bắt mực đạt gần 2.000 tấn, tăng 97% so với cùng kỳ.
Ngư dân phân loại hải sản tại cảng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: THÀNH HUY
Việc đánh bắt thủy sản cho hiệu quả cao cũng kéo theo sự phát triển của những ngành dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có 1 DN đóng, sửa chữa tàu cá, tạo việc làm cho hơn 50 lao động với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/ người/tháng. Xã cũng có 3 xưởng sản xuất nước đá với tổng công suất 3000 cây/ngày. Bên cạnh đó, các trạm xăng dầu trên địa bàn xã cũng đáp ứng đủ nhu cầu nhiên liệu cho các tàu cá cập cảng.
Về chế biến, hiện xã có 2 DN sơ chế cá, 15 cơ sở chế biến mực bán ra các thị trường như TP.Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Các cơ sở này tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho gần 1.000 người dân tại địa phương.
Theo ông Việt, với việc khai thác tối đa lợi thế từ nghề đánh bắt hải sản và các dịch vụ đi kèm, nhờ đó thu nhập của người dân xã Bình Châu ngày càng được nâng cao. Tính đến nay, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm.
Hiện nhu cầu vốn của ngư dân Bình Châu để nâng cấp, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ là khá lớn. Năm 2017, xã tiếp nhận 128 hồ sơ vay vốn, nâng cấp tàu đánh bắt vùng biển xa. Trong số 18 hồ sơ đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67, đã có 11 chiếc được giải ngân tổng số tiền 202 tỷ đồng. Về vốn nâng cấp cải hoán tàu vỏ gỗ, từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt 37 hồ sơ với số tiền 137,6 tỷ đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn