Anh Vũ Văn Thiết (bên phải) giới thiệu sản phẩm “Si rô chanh đào” của gia đình
Anh Thiết cho biết: Anh vốn là lái xe chở khách đường dài, công việc thì vất vả nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Năm 2014 có người bạn khuyên anh về mở gia trại trồng chanh đào, bởi Quảng Thành có thuận lợi về quỹ đất, thích hợp với làm trang trại, gia trại. Thấy hợp lý, anh quyết định bỏ nghề lái xe, dốc hết số tiền bao năm tích cóp, vay mượn thêm anh em bạn bè, ngân hàng để trồng gần 3.000 cây chanh đào trên diện tích 2ha. Giống chanh 3 năm tuổi được mua từ Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ thuật giống cây trồng Việt Nam (trụ sở tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Khi mua cây giống, anh còn được Công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh đào.
Dù có nhiều lo lắng, nhưng ngay năm đầu tiên đã cho thấy cây chanh đào rất phù hợp với vùng đất ở đây, trung bình mỗi cây cho khoảng 10kg quả, có cây ra tới 300 quả (khoảng 20kg).
Qua gợi ý từ lãnh đạo xã Quảng Thành là nên thử làm si rô chanh đào. Chanh đào cũng có vị chua như chanh thường, nhưng công dụng vượt trội về chữa bệnh, nhiều người thích mua chanh ngâm với đường phèn, mật ong làm si rô trị ho rất hiệu quả. Cách này tiêu thụ được nhiều chanh hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Người trồng chanh có thể bán si rô chanh quanh năm, tiêu thụ tốt nhất là vào dịp Tết.
Sản phẩm mật ong chanh đào tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân
Gia đình anh Thiết có nghề truyền thống làm bánh kẹo, nên việc chế biến quả thành si rô không mấy khó khăn. Từ gợi ý của lãnh đạo xã, vụ thu hoạch chanh đào đầu tiên được 4 tấn quả, anh Thiết dành 1 tấn làm được 2.300 lọ si rô. Quả chanh đào tươi được thái lát ngâm với mật ong rừng. Toàn bộ sản phẩm si rô chanh của anh bán hết nhanh tại Hội chợ OCOP tỉnh tháng 4 năm 2016, giá 130.000 đồng/lọ, thu về gần 300 triệu đồng, trong khi 1 tấn chanh tươi bán chỉ được khoảng 30 triệu đồng lại khá khó khăn.
Từ kết quả này, hiện xã Quảng Thành đã có thêm 5 hộ nữa trồng chanh đào, diện tích 1ha. Anh Thiết nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vụ chanh năm nay, riêng hộ anh Thiết ước tính thu khoảng 6 tấn quả chanh đào.
Anh Thiết đã đầu tư mở rộng nhà xưởng rộng khoảng 150m2, cùng nhiều thiết bị máy móc để sản xuất si rô. Huyện Hải Hà đã quy hoạch trồng cây có múi, trong đó có cây chanh đào trên địa bàn 2 xã Quảng Thịnh và Quảng Thành với diện tích khoảng 340ha. Cây chanh đào đang cho hiệu quả kinh tế cao là hướng phát triển mới của huyện Hải Hà nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho giá trị kinh tế cao, đồng thời xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Phi Trường đánh giá: Thành công của sản phẩm “Si rô chanh đào” không chỉ tạo cho xã sản phẩm OCOP trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo thêm việc làm cho nông dân, cải tạo những khu ruộng xấu thành vườn cây ăn quả. Sản phẩm “Si rô chanh đào” cần lượng mật ong rất lớn để chế biến, điều này còn giúp cho nghề nuôi ong của huyện và một số địa phương khác trong tỉnh phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn