Chợ Lộc Ninh, một trong những ngôi chợ sầm uất nhất ở Bình Phước
Hơn 40 năm trước, Lộc Ninh (Bình Phước) còn là vùng đất hoang hóa, khô cằn bởi vô số những trận mưa bom, bão đạn cày nát đến từng tấc đất. Hôm nay, hình ảnh ấy đã được thay thế bởi màu xanh của những vườn cao su, tiêu, điều, màu đỏ tươi của những ngôi nhà mới khang trang, và những con đường nhựa thênh thang, tít tắp.
NGƯỜI LÍNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Một ngày trung tuần tháng Tư, tôi trở lại Lộc Ninh, vùng đất đầu tiên được giải phóng ở miền Nam, và không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu ở đây.
Nghe tôi trình bày lý do chuyến đi, ông Thiều Quang Lớn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Lộc Ninh suy nghĩ giây lát rồi nói: “Lộc Ninh có rất nhiều di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ví dụ như chiến khu Tà Thiết, Dốc 31 (ấp 2, xã Lộc Thuận) chẳng hạn. Đó là nơi từng xảy ra những trận chiến ác liệt, từng bị nhiều trận càn quét của địch nhất. Bây giờ, ngoài di tích ra, không còn dấu tích của chiến tranh nữa. Nếu cháu vào đó thì tìm gặp ông Nguyễn Văn Thanh, CCB của đại đội C31, giờ đang trông coi khu di tích”.
Dốc 31 nằm cách trung tâm huyện chừng 5 - 6 cây số. Nhưng thú vị nhất là xe tôi bon bon trên con đường nhựa nhỏ uốn lượn xuyên qua những thôn xóm bình yên, những rừng cao su cổ thụ. Đẹp như một bức tranh.
Những con đường uốn lượn giữa vườn cao su đẹp như tranh ở Lộc Ninh
Ông Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1954, tham gia làm giao liên ở Làng Hai (tên cũ của ấp 2, xã Lộc Thuận ngày nay) từ khi còn là 1 thiếu niên và từng vài lần bị giặc nghi ngờ, bắt giam tra khảo. Năm 17 tuổi, ông chính thức là quân nhân đại đội C31, đóng ngay tại xã Lộc Thuận.
Chỉ tay về phía quả đồi thấp, tròn và một màu xanh ngút mắt, chạy giữa màu xanh ấy là con đường nhựa, nhìn như một sợi chỉ, ông bảo: “Quả đồi đó ngày xưa là nơi đơn vị chú đóng quân. Lúc đó toàn rừng rậm, bưng biền, hiểm trở lắm chứ không phải như bây giờ. Do Làng Hai có vị thế chiến lược, là bàn đạp để tấn công các “địa chỉ đỏ” ở Lộc Ninh, nên trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công, càn quét và là “túi” bom đạn của giặc.
Hồi đó Làng Hai có 75 gia đình, thì tất cả đều nuôi giấu, tiếp tế cho bộ đội. Nay người đã về với cát bụi, người đã 80 - 90 tuổi, không còn minh mẫn mà nhớ chuyện xưa. Giờ, ngoài cái bia tưởng niệm này và ký ức những người lính như chúng tôi ra, chẳng còn dấu tích gì”.
Khu vực dốc 31, một trong những nơi giao tranh ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ và bia chiến thắng
Trò chuyện với ông Thanh, tôi mới biết, dù đã trở về với mảnh vườn, đồng ruộng, nhưng những CCB vẫn luôn quan tâm, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Đó là việc thành lập quỹ CCB. Ông Thanh cho biết, Chi hội CCB ấp 1, Làng Hai, xã Lộc Thuận có 22 hội viên, từ mấy năm nay, họ có cách giúp nhau chiếc cần câu cơm rất hay. Đó là lập quỹ vốn sản xuất.
“Mỗi hội viên đóng 400 ngàn, nếu có tiền thì đóng 1 lúc, còn không, có thể rải đều trong cả năm, miễn sao đến ngày 22/12 đóng đủ số này là được. Trường hợp ai qua đời, ngoài việc trích quỹ thăm viếng, chi hội cũng gửi lại toàn bộ số tiền quỹ đã đóng.
Mỗi quý chúng tôi họp 1 lần, trong buổi họp này, ngoài thăm hỏi nhau, các hội viên sẽ thông báo tình hình sản xuất của gia đình để các hội viên khác biết, nếu có khó khăn, họ cùng bàn cách hỗ trợ nhau. Nếu ai cần vốn sản xuất thì trình bày rõ kế hoạch, sau đó, hội sẽ xuất vốn cho vay. Hiện nay, số tiền quỹ đã lên đến gần 50 triệu đồng. Có 8 hội viên được vay vốn sản xuất và thoát nghèo”, ông Thanh kể.
NHIỀU TỶ PHÚ NÔNG DÂN
Về Tà Thiết, căn cứ của Bộ chỉ huy Miền năm xưa, chứng kiến cuộc sống đổi thay hôm nay, chúng tôi thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của bà con dân tộc Khơ-me.
Ở Lộc Ninh, có rất nhiều nông dân tỷ phú tiêu
Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên ở miền nam hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa của Bộ Chỉ huy Miền; nơi đặt Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Từ năm 1973, đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã vươn đến Lộc Ninh, nơi đây trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam Bộ, tiếp nhận nguồn chi viện từ miền Bắc vào, phục vụ chiến trường miền Nam. |
Năm 2002, Quân khu 7 và chính quyền tỉnh Bình Phước phối hợp xây dựng cho bà con Khơ-me ở Tà Thiết một ngôi làng mới với 62 căn nhà cấp 4, mỗi căn tọa lạc trên 3 ha đất. Từ một khu dân cư nghèo, nhà cửa lụp xụp, không có điện, nước, trường học, trạm y tế, nay, làng mới không chỉ có những ngôi nhà mà điện, đường trường trạm đều đã có đủ.
Đến nay, làng Tà Thiết từ 62 đã tăng lên gần 200 hộ, nhiều người trong số họ trở thành chủ trang trại như hộ anh Lâm Đốc, ông Lâm Hồng Bum. Những ngôi nhà được cấp ngày nào giờ đây thành nhà phụ, nhà kho, hoặc bếp. Nhiều căn nhà mới được xây lên bên cạnh căn nhà cũ cho những đôi vợ chồng mới cưới. Và đặc biệt, bác sỹ, giáo viên hay sinh viên đại học người Khơ - me ở làng Tà Thiết giờ không ít.
Anh Lâm Vy, 46 tuổi, trưởng ấp Tà Thiết, tâm sự: “Đã 12 năm sống trong ngôi nhà mới rồi mà nhiều lúc vẫn cứ tưởng đang mơ. Lúc nhỏ chúng tôi chẳng được học hành vì chiến tranh và nghèo đói. Không biết cách trồng trọt, chăn nuôi, làm gì cũng thất bại. Trồng mì, trồng điều cũng chỉ để ăn là chính, bán chẳng được là bao.
Nay nhờ có Nhà nước mà cuộc sống của bà con đã ấm no, ăn ở hợp vệ sinh, đường sá không còn lầy lội, đi lại thuận tiện, con em được đến trường. Giờ chúng tôi biết kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, điều, cà phê, cao su… nên năng suất cao, nông sản làm ra là có Cty đến mua hết ngay. Sướng lắm”.
Không chỉ có Tà Thiết, đi xã nào ở Lộc Ninh, chúng tôi cũng dễ dàng tìm được những nông dân đang giàu lên trên mảnh vườn của mình. Trong số họ, người Kinh, Khơ - me, S’tiêng hay CCB, đều có. Ông Phạm Minh Chánh, ấp 8B, xã Lộc Hòa, mỗi năm thu vài tỷ từ 8 ha tiêu của gia đình. Còn ông Ðào Quang Thuận, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 7, xã Lộc Hòa, nguyên là chiến sỹ đặc công ở chiến trường Lộc Ninh, mặc dù là thương bệnh binh nặng, nhưng vẫn sản xuất giỏi, mỗi năm thu ngót tỷ đồng từ tiêu.
Ở xã Lộc An, số hộ đồng bào S’tiêng giàu có giờ không phải ít. Như gia đình ông Điểu Bước, mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng từ cao su, lúa. Hiện ông đã sắm xe hơi. Ông Ðiểu Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Đa số những hộ có mảnh vườn thì từ đủ ăn đến giàu chứ không còn ai đói nữa, chỉ sợ không chịu làm thôi. Còn nếu không có đất thì ở đây cũng có rất nhiều việc để làm. Thanh niên có thể làm công nhân cho các nông trường cao su với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng”.
Các vùng quê ở Lộc Ninh đang từng ngày khởi sắc, với thu nhập bình quân đầu người hơn 21 triệu đồng/năm. Đi giữa những vườn cao su, vườn tiêu, điều, tôi như nghe đâu đó tiếng thầm thì của lá cây đang rì rào trong gió về một Lộc Ninh anh dũng trong quá khứ, đang vươn mình giàu có hiện tại và tương lai…
PHÚC LẬP
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn