Tỉnh Long An đang tập trung các nguồn lực xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 16 hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.
Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, 16 hợp tác xã được chọn làm mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có năng lực hoạt động, quản lý không đồng đều, trình độ Hội đồng quản trị còn thấp, chủ yếu là lựa chọn những nông dân có tâm quyết để vào tham gia công tác quản lý, việc tham gia góp vốn điều lệ trở thành thành viên còn hạn chế. Nhiều hợp tác xã thực hiện sản xuất rất tốt nhưng việc tổ chức liên kết tiêu thụ hoặc tổ chức tiêu thụ sản phẩm do xã viên làm ra gặp khó khăn lúng túng. |
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả của hộ gia đình Ông Nguyễn Minh Châu, ấp Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn, Thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Báo Long An online |
Do đó, để đạt được mục tiêu xây dựng thành công 16 hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Long An tập trung các nguồn lực để hỗ trợ các hợp tác xã này. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019, tất cả các hợp tác xã được chọn cũng cố tổ chức, bộ máy hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; có 100% cán bộ quản lý hợp tác xã được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về tổ chức và quản lý hợp tác xã; có 100% hợp tác xã được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; có 16/16 hợp tác xã có phương án sản xuất kinh doanh hàng năm và được các thành viên hợp tác xã thông qua, lợi nhuận bình quân tăng ít nhất 20%/năm. Trong sản xuất, các hợp tác xã cam kết sản xuất theo quy trình sản xuất VietGAP; sản xuất theo quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.Riêng đối với các hợp tác xã trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì những hợp tác xã lúa, rau, thanh long phải có diện tích tối thiểu phải đạt tiêu chí cánh đồng lớn, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng cùng loại giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận trở lên; đối với các hợp tác xã chăn nuôi phải sử dụng giống chất lượng cao, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Long An sẽ tập trung các nguồn vốn ngân sách lồng ghép từ các chương trình, dự án và huy động thêm vốn đối ứng của người dân để thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đồng thời, các sở ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng kinh tế hợp tác, về chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động các; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, tư vấn tư vấn nâng cao hiệu quả hoạt động cho các hợp tác xã; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hợp tác xã…/. Theo Bùi Giang /Báo Ảnh DT&MN.vn