Ông Phan Nhựt Ái, GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, mô hình luân canh rau màu trên đất lúa đã phát triển khá bền vững, được nông dân đồng thuận. Giá trị kinh tế của mô hình cho hiệu quả gấp nhiều lần chuyên canh lúa.
Từ lợi thế này ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã định hướng cho nhà nông SX ATVSTP để nâng cao thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường.
Mục tiêu đến 2015 Vĩnh Long sẽ giảm 10% diện tích lúa (tương đương 19.000 ha) chuyển sang luân canh rau màu. Đến 2020 tiếp tục giảm 20% (tương đương 32.000 ha) để chuyển sang trồng rau màu có giá trị kinh tế cao phục vụ công nghiệp chế biến…
Ông Nguyễn Văn Ngon, xã Tân Bình (Bình Tân) có 3.000 m2 SX lúa năng suất thấp nên chuyển sang trồng màu. Trung bình mỗi năm thu hoạch 3 - 4 vụ màu, lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng.
Trồng lúa sử dụng toàn phân, thuốc hóa học đất bị chai cằn, năng suất không cao. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không thu được đồng lợi nhuận nào do giá lúa xuống thấp.
Từ khi chuyển đổi, thu nhập ngày nào cũng đều nên cuộc sống tốt hơn.
Tổng vốn tái cơ cấu chuyển đổi SX nông nghiệp ở Vĩnh Long đến 2020 ước tính khoảng 3.367 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 712 tỷ, còn lại doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Giai đoạn đến cuối 2015 cần đầu tư 119 tỷ đồng, người dân đóng góp 1.036 tỷ, phần còn lại sẽ tập trung đầu tư quyết liệt đến năm 2020 để đạt mức doanh thu 290 triệu đ/ha/năm và phải đảm bảo lãi 30% cho người SX. |
Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT Bình Tân cho biết: "Ở huyện Bình Tân đang rộ phong trào chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Từng xóm ấp đang tự tạo cho mình một thương hiệu riêng. Bây giờ hễ nhắc Thành Đông, Thành Trung thì người dân biết ngay là xứ sở khoai lang; Tân Bình, Thành Lợi là "vương quốc" rau màu…
Mục tiêu của huyện là đưa sản phẩm màu trên nền đất ruộng vươn xa. Theo đó, Bình Tân đã triển khai mô hình mẫu trên cánh đồng khoai lang, quy trình SX theo tiêu chuẩn VietGAP được 43 hộ ở xã Thành Đông tham gia tích cực với gần 40 ha".
Cũng theo ông Theo, huyện Bình Tân sẽ khảo sát quy hoạch lại các vùng trồng rau màu chuyên canh đến năm 2015. Trong đó, sẽ ổn định diện tích khoai lang 12.000 ha.
Tại các xã trọng điểm SX khoai lang sẽ quy hoạch 2 vụ khoai - 1 vụ lúa hoặc 1 vụ khoai - 1 vụ lúa để hạn chế sâu bệnh.
Đến thời điểm này huyện Bình Tân đã chuyển đất ruộng sang trồng cây ăn trái khoảng 3.000 ha, còn lại 9.000 ha tùy vào điều kiện thực tế của từng vùng mà cơ cấu SX luân canh lúa - màu hoặc trồng màu chuyên canh.
Bình quân 1 ha trồng màu luân canh hoặc màu chuyên canh cho lãi ròng 100 - 200 triệu đ/ha/năm.
Ông Trần Văn Hoàng, Trần Văn Ngộ là những nông dân tham gia mô hình SX sạch cho biết, ruộng khoai lang đã kề ngày thu hoạch và hiệu quả bước đầu đã rõ là tham gia cánh đồng mẫu SX theo quy trình VietGAP chi phí giảm khoảng 30%, lợi nhuận chắc chắn cao hơn ruộng ngoài mô hình.
Ở huyện Long Hồ, diện tích trồng rau màu trong mùa khô thay cho lúa HT 2014 được nhiều nơi thực hiện. Đến thời điểm này đã có khoảng 1.000 ha đất lúa được nông dân trồng xen màu.
Xã Tân Hạnh đã gieo trồng 225 ha màu trên đất lúa, chiếm gần 50% diện tích lúa toàn xã. Điều đó chứng tỏ mô hình luân canh màu trên đất lúa đang đi sâu vào tư tưởng SX của nông dân...
Theo ông Phan Nhật Ái, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng trên 20.000 ha rau màu các loại, trong đó hơn 11.000 ha cây màu luân canh trên đất lúa. Việc đưa rau màu xuống ruộng đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Tính về hiệu quả kinh tế, luân canh rau màu luôn cho thu nhập ổn định và cao hơn 2 - 3 lần độc canh lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Những mô hình chuyên canh rau màu an toàn, 3 vụ màu/năm; 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa, 1 lúa - 3 màu… đang thu lời khá.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn