Phát triển chè hữu cơ góp phần nâng cao đời sống người dân.
Đáp lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã thi đua lao động sản xuất, đánh giặc, giành nhiều thắng lợi trên mọi mặt trận. Sau 4 năm phát động phong trào thi đua, năm 1952, huyện Phú Lương vinh dự là nơi tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tên gọi lần đầu là “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất”) tại xã Hợp Thành.
Ngày 30/4/1952, Đại hội khai mạc tại Hội trường tám mái thuộc xóm Khuôn Lân, xã Hợp thành.
Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua là để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, đồng thời Người cũng khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.
Người kêu gọi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện khẩu hiệu: “Người người thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng; Địch nhất định thua.
Ông Nguyễn Nhẫn, ở xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, năm nay 81 tuổi, nhưng vẫn nhớ rõ như in những hình ảnh khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, gặp các anh hùng của đất nước.
Tự hào với truyền thống đó, 66 năm qua các thế hệ con cháu của Hợp Thành đều thấy được trách nhiệm của mình với đất nước, với dân tộc để từ đó có ý thức giữ gìn xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Nhờ đó, từ mức thu nhập 26 triệu đồng/ người/năm nay toàn xã đã đạt 30 triệu đồng/ người/ năm.
Với chủ trương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân cũng chính là thi đua yêu nước. Chia sẻ những nỗ lực phát triển kinh tế của địa phương, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho rằng, huyện đang triển khai nhiều dự án để thu hút các nhà đầu tư, hỗ trợ cho bà con phát triển chè sạch hữu cơ. Cùng với đó là phát triển rừng gỗ lớn, cây thảo dược để nâng cao thu nhập cho bà còn.
“Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”, lời Bác Hồ căn dặn mang một sức sống bền bỉ và là một động lực hối thúc để tất cả mọi người cùng vươn lên trong cuộc sống - không để ai bị bỏ lại phía sau. Và câu chuyện quyên góp, ủng hộ để giúp đỡ những người nghèo khó ở xã Hợp Thành cũng đang được địa phương tích cực triển khai.
Ông Phạm Hoàng Sơn, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh cho rằng, trải qua các giai đoạn cách mạng, Thái Nguyên đã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Trong những năm qua, trên toàn tỉnh, nhiều phong trào thi đua đã đi vào đời sống của đoàn viên, đội viên và nhân dân. Nổi bật trong các phong trào thi đua mà có sự góp mặt tích cực của hệ thống Mặt trận đó là huy động sức dân cùng xây dựng nông thôn mới đã góp phần mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng quê.
“Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường còn nhiều người dân đang có cuộc sống khó khăn, cần nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, trong năm 2017, Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội của tỉnh huy động được 115 tỷ đồng. Với riêng huyện Phú Lương, năm 2017 Quỹ Vì người nghèo huyện huy động được hơn 502 triệu đồng, trong đó quỹ cấp huyện hơn 199 triệu đồng; quỹ cấp xã hơn 303 triệu đồng. Từ số tiền này, Ban vận động Quỹ hỗ trợ cho 33 hộ nghèo xây dựng nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền 450 triệu đồng”, ông Sơn nói.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, gần 70 năm qua người dân xã Hợp Thành đã từng bước xóa được đói, giảm được nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương mình bởi mọi người đều thấy được rằng phát triển kinh tế cũng chính là thi đua yêu nước.
Theo Tuệ Phương/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn