Trước đây, gia đình CCB Lý Hoài Sơn cũng rất khó khăn. Ông Sơn phải đi làm thuê ở TP Móng Cái cho một doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Trong những ngày đi làm thuê đó, ông đã tìm hiểu nhu cầu thu mua ớt chỉ thiên xuất sang Trung Quốc là rất lớn. Chính vì vậy, ông đã quyết định về quê để triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu. Năm đầu (2015), vợ chồng CCB này chọn địa điểm trồng ớt tại các xã Đồng Rui, Hà Lâu (huyện Tiên Yên) và xã Tình Húc (huyện Bình Liêu) vì ở đây có các cánh đồng đất pha cát, lại kín gió, mà bà con chỉ cấy được một vụ lúa do khó khăn về thủy lợi. Ông hợp đồng thuê đất và công chăm sóc với bà con với giá 700.000 đồng/ha/vụ. Bà con ai cũng phấn khởi, vì trước đây thu hoạch xong vụ mùa, ruộng bỏ đấy chẳng làm gì, nay được tiền thuê đất lại có việc làm tăng thêm thu nhập.
CCB Lý Hoài Sơn (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân cách thụ phấn nhân tạo cho ớt. |
Ngay năm đầu tiên thực hiện, mô hình đã thu được 16 tấn ớt. Sau khi xuất khẩu sang Trung Quốc, gia đình ông thu về 2,88 tỷ đồng, trừ các chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Mô hình đã tạo việc làm cho 1.400 lao động ở các xã mà ông thuê đất.
Những năm sau đó, mô hình trồng ớt xuất khẩu của gia đình CCB Lý Hoài Sơn liên tục mở rộng, ở đâu cũng nhận được sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân. Đến nay, mô hình được triển khai trên diện tích 8ha tại 5 xã của huyện Tiên Yên và Bình Liêu. Riêng vụ ớt xuân đầu năm 2017, gia đình CCB Lý Hoài Sơn thu được 5,2 tấn ớt, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương.
Mô hình trồng ớt xuất khẩu của CCB Lý Hoài Sơn đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Trong ảnh: Cánh đồng ớt tại thôn Bắc Buông-Khe Chanh, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. |
Nói về mô hình trồng ớt xuất khẩu của CCB Lý Hoài Sơn, ông Lý Văn Diểng, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, cho hay: “Hà Lâu là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Tiên Yên. Khi triển khai mô hình trồng ớt đã giúp chúng tôi giải quyết nhiều khó khăn, phát triển kinh tế. Mô hình này rất cần thiết với các xã vùng sâu, vùng xa, để người dân làm quen với môi trường làm việc tập thể, tác phong công nghiệp”.
Ông Nguyễn Xuân Tặng, Chủ tịch Hội CCB huyện Tiên Yên, chia sẻ: “Đây là mô hình hay, giúp bà con có việc làm, thu nhập từ các cánh đồng xấu, kém hiệu quả. Mô hình còn là sự kết hợp giữa “3 nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà nước) ở vùng khó khăn, góp phần chuyển đổi nhận thức sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững cho người dân”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn