|
Ông Lê Xuân Bình (bên trái) kiểm tra năng suất khoai tây. |
Không bỏ ruộng hoang
Là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, ông Lê Xuân Bình đã năng nổ, gương mẫu, đi tiên phong trong các phong trào phát triển sản xuất ở địa phương. Ruộng đất ở Quang Tiến màu mỡ nhưng các hộ gia đình chỉ trồng 2 vụ lúa, còn vụ đông bị bỏ không. Vụ đông năm 2016, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn hỗ trợ HTX 5ha mô hình trồng khoai tây (huyện hỗ trợ 50% giống), nhân đà này, ông Bình đã mượn ruộng của bà con trồng 12ha khoai tây.
Để kịp thời vụ, ngay khi thu hoạch lúa mùa, ông Bình thuê máy làm đất, xuống giống vụ khoai. “Trồng 12ha khoai tây cần 10,5 tấn khoai giống, nhưng tôi chấp nhận giá cao để mua giống chuẩn của các công ty, viện nghiên cứu uy tín. Tổng chi phí cho giống và vật tư hơn 650 triệu đồng là số tiền khá lớn nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình" - ông Bình chia sẻ.
Cánh đồng trồng khoai tây rộng mênh mông tưởng rằng sẽ tốn nhiều công trồng, chăm sóc. Nhưng, nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trong tất cả các khâu nên gia đình ông Bình làm nhàn nhã: Khi làm đất, đã có máy cày bừa, lên luống; đặt củ giống xuống là có máy đi lấp đất; khoai bị bệnh có máy phun thuốc sâu và khi củ khoai đến ngày thu hoạch thì có máy hỗ trợ. Ông Bình cho biết, về máy móc từ trồng đến thu hoạch khoai tây do anh Trịnh Tý Văn ở địa phương sáng chế.
Theo giới thiệu của ông Bình, được biết, anh Trịnh Tý Văn làm nghề sửa chữa xe máy nên am hiểu về cơ khí. Trong một lần sang tỉnh Bắc Ninh tham quan mô hình trồng khoai tây, thấy máy làm đất, lên luống thay được sức người nên anh Văn quyết tâm tìm hiểu rồi về mày mò làm theo. Kết quả, các chi tiết máy sau khi lắp ráp hoạt động khá hiệu quả. Khó nhất, là máy dỡ khoai tự động, anh đã cải tiến đến lần thứ 10 mới thành công. "Dỡ khoai bằng máy không bị trầy xước và có hệ thống làm sạch đất bẩn, giảm tối đa sức lao động cho bà con. Nếu như trước đây, để trồng 1ha khoai tây phải mất hàng trăm công lao động thì nay chỉ mất 1 công" - ông Bình cho biết.
Quan trọng nhất là chuyển đổi nhận thức
Vụ khoai tây vụ đông trên đất 2 lúa năm qua của gia đình ông Lê Xuân Bình cho thu hoạch năng suất đạt 4 tạ/sào, mỗi cân khoai bán ngay tại đầu bờ có giá 8.500 đồng/kg, tính ra mỗi héc ta thu được khoảng 90 triệu đồng và 12ha mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Nói về thành công, ông Bình cho biết, cái được lớn nhất đó là đã chuyển đổi được nhận thức của bản thân trong sản xuất nông nghiệp.
Từ đây, bà con nông dân địa phương có thể nhìn rộng hơn, không chỉ cây khoai tây mà còn nhiều loại cây trồng khác, có cơ giới hóa hỗ trợ, hiệu quả sẽ hơn hẳn. “Tôi muốn làm thành công mô hình để chứng minh cho bà con thấy mỗi tấc đất đều có thể làm giàu và không nên để đất hoang…” - ông Bình cho biết thêm. Còn với ông Trịnh Tý Tức, hàng xóm với ông Bình cho biết, tư tưởng của nông dân xã Quang Tiến trước đây chỉ trồng 2 vụ lúa, bỏ vụ đông, nhưng khi chứng kiến ông Bình làm thành công đã thay đổi suy nghĩ. Nhiều hộ đã xây dựng kế hoạch, sang năm sẽ không bỏ ruộng hoang nữa mà chuyển sang trồng cây khoai tây.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng: Cơ giới hóa trong trồng khoai tây là mô hình đầu tiên của huyện Sóc Sơn và ông Lê Xuân Bình chính là tấm gương dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất trên quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thành công của ông Bình là tiền đề để bà con nông dân trong và ngoài xã học tập, làm theo để khai thác tối đa lợi thế đất đai, làm giàu.
Minh Phú/hanoimoi.com.vn