Sinh ra và lớn lên khi cả bố và mẹ đều mất sớm, từ nhỏ cậu bé Khôn đã phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Sau khi cưới vợ, do sinh nhiều con, cuộc sống của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Vì nghề đi biển đánh cá gần bờ không thể nuôi sống được gia đình, năm 2001, ông Khôn chuyển sang làm nghề lái xe công nông và kinh doanh vật liệu xây dựng; còn vợ ông phải lên tận chợ Quy Đạt (huyện Minh Hoá) để buôn bán nước mắm.
Được một thời gian, khi trong vùng số lượng xe công nông xuất hiện ngày càng nhiều, hoạt động dịch vụ vận chuyển gặp khó khăn, năm 2003, ông Khôn quyết định bán xe công nông, chuyển sang sản xuất bún, bánh ướt cung cấp cho địa bàn hai xã Quang Phú và Lộc Ninh. Mặc dù thu nhập chưa nhiều nhưng nghề mới này cũng giúp gia đình trang trải đủ chi phí hàng ngày. Nhận thấy nguồn phế phẩm và chất thải của quá trình sản xuất bún, bánh hàng ngày khá dồi dào, năm 2003, ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, bình quân 100 con/năm. Ngoài ra, ông còn thả nuôi 1.000 con gà để tăng thêm thu nhập. Nhận thấy nhu cầu sử dụng nhung hươu trên địa bàn khá lớn, năm 2008, vợ chồng ông đầu tư trên 60 triệu đồng mua 5 con hươu giống về thả nuôi. Mỗi năm, từ nghề sản xuất bún, bánh và chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình ông có thu nhập trên 130 triệu đồng. Để không ảnh hưởng đến môi trường sống và bà con xung quanh, ông đầu tư trên 10 triệu đồng xây dựng hầm biogas, vừa giúp xử lý được các nguồn chất thải trong chăn nuôi, vừa có nguồn chất đốt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
Công việc làm ăn của vợ chồng ông Khôn đang suôn sẻ, thuận lợi thì nhiều loại dịch bệnh xuất hiện. Rồi do nguồn cung cấp các sản phẩm bún, bánh trên thị trường khá lớn nên công việc làm ăn của gia đình ông gặp không ít khó khăn, trong đó riêng đàn hươu đã bị nhiễm bệnh và hao hụt 3 con.
Là người nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi, ông Khôn nhận ra một điều, muốn phòng chống được các loại dịch bệnh, trước hết người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, am hiểu các loại bệnh tật phổ biến trên vật nuôi và cách phòng trị. Để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, người chăn nuôi phải biết sử dụng tối đa các loại phế phẩm trong nông nghiệp và nguồn thức ăn tại chỗ. Từ đó, vợ chồng ông chú trọng đến việc tự học, tự tìm hiểu để bổ sung kiến thức kỹ thuật, quản lý kinh tế cũng như trực tiếp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở những người đi trước. Nhờ đó, những năm qua, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các loại vật nuôi của gia đình ông Khôn vẫn được bảo vệ an toàn.
Đối với nghề sản xuất bún, bánh, do nguồn cung trên thị trường ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng không đáng kể nên hiện nay ông Khôn quyết định giảm bớt quy mô sản xuất bún, đầu tư máy móc sản xuất thêm các sản phẩm bột mì, bột cháo bánh canh. Nhờ các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả lại hợp lý, nên bột mì, bột cháo bánh canh do ông sản xuất luôn được nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các vùng lân cận đặt mua, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi tháng, trừ chi phí, nghề này mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động trong vùng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Đời sống nâng lên, gia đình ông Khôn có thêm điều kiện để nuôi 5 người con ăn học thành người.
Trương Văn Hà |
Nguồn" kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn