Ảnh minh họa
Một số mô hình tiêu biểu
Mô hình“Sổ theo dõi tình hình an ninh, trật tự xã hội ở khu dân cư” tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum
Thôn Bình Minh nằm cách trung tâm xã khoảng 3,5km. Thôn có 130 hộ, 512 khẩu; có 2 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích đất sản xuất là 385,1 ha, sản xuất chủ yếu là cây cà phê, cao su, bời lời, lúa nước... Những năm qua, kinh tế của thôn đã có những bước phát triển tích cực, rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững và phát huy. Hiện nay, thôn có 66 hộ giàu (chiếm 50,7%); 42 hộ khá (chiếm 32%); 18 hộ trung bình (chiếm 13%); 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo (theo tiêu chí đa chiều).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây trong thôn có nhiều phức tạp (thường xảy ra tình trạng mất trộm vặt như mất gà, chó, xe máy khi người dân đi làm rẫy, bời lời, cà phê...). Để ổn định và đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn nói chung và thôn Bình Minh nói riêng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã khảo sát, tham mưu cho Đảng ủy chọn và triển khai thực hiện mô hình “Sổ theo dõi tình hình an ninh, trật tự xã hội ở khu dân cư” tại địa bàn thôn.
Để triển khai tốt việc xây dựng mô hình này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hà Mòn cùng Ban Công tác Mặt trận thôn Bình Minh phối hợp với tổ an ninh của thôn họp và thống nhất các nội dung hoạt động của mô hình, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Công tác Mặt trận thôn. Việc triển khai thực hiện mô hình đã được phối hợp lồng ghép tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia nắm bắt và cung cấp các nguồn tin, đồng thời phân loại, tính chất, mức độ ghi chép đầy đủ.
Từ khi triển khai mô hình, tình hình an ninh tội phạm đã giảm rõ rệt: năm 2013 có 43 vụ thì đến năm 2016 chỉ có 32 vụ. Cuốn sổ an ninh ghi lại rõ những vụ việc cụ thể làm cơ sở cho giải quyết công tác hòa giải về sau, tạo điều kiện cho hộ gia đình vi phạm sửa chữa, phấn đấu không vi phạm, đồng thời giúp cho mọi nhà, mọi người sống và làm việc có trách nhiệm, gắn bó hơn trong cuộc sống.
Ngoài những việc trên, Ban Công tác Mặt trận thôn Bình Minh còn làm tốt công tác tham mưu, phối hợp đề ra những giải pháp để giải quyết những vụ việc xích mích, mâu thuẫn trong gia đình, trong thôn theo nội dung hương ước, quy ước của khu dân cư phù hợp, đạt hiệu quả, tạo ra sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, qua đó giáo dục, răn đe các đối tượng có hành vi, vi phạm hương ước hoặc vi phạm pháp luật chưa được phát hiện xử lý trên địa bàn.
Việc thực hiện mô hình "Sổ theo dõi tình hình an ninh, trật tự xã hội ở khu dân cư” không những có giá trị rất lớn trong việc nắm bắt, cập nhật các nguồn tin, các vụ việc xảy ra tại địa bàn cụ thể, chính xác, đầy đủ để phối hợp giải quyết đúng người, đúng đối tượng, đúng vụ việc, từng bước ngăn ngừa các hành vi vi phạm hương ước, vi phạm pháp luật của người dân, như: cờ bạc, trộm cắp, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn trong gia đình, xích mích, bất đồng trong khu dân cư, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn, các vụ vi phạm được giảm hơn, công tác quản lý của thôn được bảo đảm hơn. Đồng thời, việc thực hiện cuốn sổ là cơ sở để thực hiện các tiêu chí bình xét các danh hiệu thi đua và bình xét gia đình văn hóa hàng năm của khu dân cư. Nhờ đó, người dân trên địa bàn làm việc tốt hơn, có trách nhiệm với nhau, gắn bó với nhau hơn trong tình làng nghĩa xóm. Các vụ việc vi phạm đã giảm hơn so với trước, góp phần xây dựng "gia đình văn hóa", "khu dân cư văn hóa", thôn làng no đủ - vững mạnh - an toàn.
Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới tại ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang
Xã anh hùng Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao là một xã nghèo, trong kháng chiến nơi đây từng là Khu căn cứ của Tỉnh ủy Rạch Giá. Người dân nơi đây vốn có truyền thống anh hùng cách mạng, cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện 15 phần việc của hộ gia đình.
Ấp 4, cách trung tâm xã 7 km, với nhiều sông ngòi chằng chịt, nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt chưa có nơi tập trung xử lý nên phần lớn đều đổ trực tiếp xuống sông, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; cảnh quan, nhà ở, hàng rào cây xanh còn chưa được quan tâm chỉnh trang, xây dựng.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo cùng Ban Công tác Mặt trận ấp 4, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, trong đó quan tâm đặc biệt đến tiêu chí môi trường. Đề ra giải pháp cụ thể cho việc xử lý rác thải, nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng những biện pháp, việc làm cụ thể gắn tuyên truyền với vận động thực hiện. Qua đó đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, nhất là việc xây dựng cầu tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, xây dựng lò đốt rác, hố chôn rác tự hoại, trồng cây xanh làm hàng rào tạo vẻ mỹ quan... Lúc đầu, ấp 4 chọn 1 tổ triển khai được 15 lò đốt rác, 30 hố rác tự hoại đến nay đã có 85 lò đốt rác, 120 hố rác tự hoại được triển khai rộng khắp trên địa bàn khu dân cư ấp 4.
Qua một năm thực hiện, người dân nơi đây đã bỏ được thói quen sinh hoạt lạc hậu, không còn thấy những túi, bọc ni lon vứt xuống dòng sông, mà có ý thức tự giác thu, gom, phân loại rác để vào hố tự hoại hoặc lò đốt rác. Kết quả bình xét có 96,8% hộ, 100% tổ đạt chuẩn văn hóa; ấp 4 nhiều năm liền đạt chuẩn văn hoá. Có 310 hộ (đạt 82,4%) thực hiện tốt 15 phần việc xây dựng nông thôn mới.
Mô hình "Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” tại thôn Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Thôn Kon Bring nằm trên trục Quốc lộ 24, cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng hơn 1 km. Tổng dân số trên địa bàn thôn có 61 hộ, 257 khẩu, trong đó hộ nghèo 46 hộ, hộ cận nghèo 4 hộ, dân số phần lớn là đồng bào dân tộc Mơ Nâm (chiếm 90,16%). Đời sống của người dân chủ yếu là thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn.
Ở thôn Kon Bring, một số thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số bỏ học, không tích cực tham gia lao động sản xuất mà sa đà vào ăn chơi, đua đòi. Các lễ hội văn hóa truyền thống, như: Văn hóa cồng chiêng, Lễ hội đâm trâu, Lễ ăn lúa mới... của bà con dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, nhiều người dân tộc Mơ Nâm không còn biết các nghi lễ truyền thống. Việc tập hợp đủ người đánh chiêng cũng không dễ dàng như xưa. Với lớp trẻ, nhiều bài hát cồng chiêng trở nên nhàm chán, đơn điệu, khó hiểu mà chạy theo văn hóa pha trộn. Nhiều gia đìnhmang bán những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn.
Việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cồng chiêng của người đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nâm là một việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa, nhất là trong thời kỳ đất nước mở cửa và hội nhập như hiện nay, nên mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đăk Long xây dựng, triển khai thực hiện tại thôn Kon Bring với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Bước đầu, đội cồng chiêng được khôi phục với gần 30 người. Đó là những người con của dân tộc Mơ Nâm, với tinh thần yêu văn hóa dân tộc mình, tự nguyện, tự giác tham gia và mong muốn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” được triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con nhân dân trong vùng về sự cần thiết trong việc xây dựng mô hình được đẩy mạnh. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt về ý nghĩa thiết thực của mô hình, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Mơ Nâm về lòng tự tôn dân tộc, từ đó nhận thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo cơ hội để nhân dân trong vùng giao lưu với văn hóa hiện đại trên cơ sở tổ chức các hoạt động du lịch.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đăk Long đã phối hợp cùng đồng bào dân tộc Mơ Nâm tại thôn Kon Bring cải tạo không gian cư trú, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia đình bằng các hoạt động tham gia du lịch cộng đồng. Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân qua hoạt động văn hóa, du lịch và làng nghề, hạn chế những hoạt động kinh tế truyền thống lạc hậu, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, các loại động vật và thú rừng. Từ khi mô hình được triển khai và hoạt động, tình hình an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, nhân dân tập trung tại nhà Rông luyện tập cồng chiêng, múa xoong, không còn tham gia phá rừng và săn bắt thú rừng trái pháp luật.
Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới để các mô hình hoạt động có hiệu quả
Để phát huy những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện cuộc vận động, nhất là những kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện 5 nội dung cuộc vận động sát với tình hình thực tế của địa phương.
Thứ hai, tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động; Tổ chức giới thiệu, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào, các cuộc vận động, tạo không khí thi đua sôi nổi trong mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể thành viên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua các hình thức xây dựng các mô hình, công trình, phần việc đa dạng trên các lĩnh vực, gắn với 5 nội dung thực hiện cuộc vận động, nhằm tập trung huy động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.
Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, đề xuất chính quyền phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện. Nghiên cứu các mô hình phù hợp để đưa vào kế hoạch, tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất, phát động, ký kết thi đua, vận động nhân dân trong cộng đồng dân cư đồng thuận hưởng ứng tham gia. Cùng với cấp ủy, chính quyền đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Thị Phương Hà
Thạc sĩ, Tạp chí Mặt trận, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguồn: tapchimattran.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn