Đổ máu vì học lỏm
Kể về những ngày đầu làm trang trại, ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: “Ngày đó vất vả gian nan lắm! Có lần đến một trang trại chăn nuôi ở tỉnh Bắc Ninh xin vào học, nhưng chủ không cho vào, chúng tôi đành phải trèo trộm qua tường rào để vào xem bằng được kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc lợn của họ. Tôi bị mảnh sành đâm vào người chảy cả máu đấy”.
Khu úm - chăm sóc lợn con sau khi được cai sữa. Ảnh: Hải Đăng
Ý tưởng xây dựng “chung cư lợn” của ông Long xuất phát từ những năm 2000. “Khi đó, tôi làm xây dựng bên huyện Thanh Trì (Hà Nội), thấy nhiều người lập trang trại nuôi lợn thuê cho Công ty chăn nuôi CP của Thái Lan, tôi chỉ nghĩ người nước ngoài đến nước mình thành lập công ty nuôi lợn, bắt người dân quê mình đi làm thuê, chẳng lẽ lại để họ chi phối thế sao” - ông Long chia sẻ.
Sau đó, ông về nhà và rủ bạn bè có cùng chí hướng góp vốn, lập đề án xây dựng cụ thể để gửi lên UBND xã xin mặt bằng. “Khi mang hồ sơ dự án trình lên xã, ai cũng bảo là hâm. Ở cái đất chiêm khê, mùa thối cây lúa còn khó sống được, huống chi mở trang trại chăn nuôi quy mô hàng tỷ đồng, khác nào vứt tiền qua cửa sổ. Nhưng tôi kiên trì thuyết phục và cuối cùng đã được xã đồng ý cấp mặt bằng”- ông Long kể lại.
Sau khi có mặt bằng, ông Long nghĩ không thể làm mà không có kiến thức nên ông đã bàn với anh em đi học quản lý, học kỹ thuật chăn nuôi, thú y. Ngoài học lý thuyết, ông và mọi người còn tìm đến các trung tâm chăn nuôi và trang trại lớn để học hỏi kinh nghiệm thực tế, từ đó về áp dụng xây dựng trang trại cho mình. Với diện tích hơn 2ha mặt bằng do xã cấp, ông Long tính nếu xây trang trại theo cách truyền thống (chuồng trệt 1 tầng) thì sẽ không khả thi. “Từ những kiến thức đã học, tôi đã tính toán và tìm hiểu kỹ lưỡng việc xây dựng trang trại làm sao cho phù hợp với điều kiện địa hình, vừa tiết kiệm được diện tích, vừa đảm bảo quy mô lớn như trong đề án. Cuối cùng đã tìm được phương án xây nhà tầng và lắp cầu thang máy giống như ở chung cư cho người để chăn nuôi” - ông Long chia sẻ.
Cũng theo lời ông Long: “Năm 2007, dù chúng tôi đã làm xong chuồng trại nhưng vẫn chưa hết vất vả. Nguyên nhân vì mặt bằng xã cấp ngay vào khu đất cỏ cây rậm um tùm, mùa mưa nước ngập tới nửa người. Nhiều người đi qua đều khuyên đừng làm nữa, nhưng anh em tôi vẫn kiên trì, biến khó khăn thành động lực” – ông Long kể.
Làm dần cũng ra tấm, ra miếng. Chỉ sau 1 năm, trang trại đã cơ bản xây dựng xong phần nhà nuôi giai đoạn 1. Ban đầu ông Long đầu tư mua 156 con lợn lai siêu nạc giống ngoại (chủ yếu là lợn bố, mẹ). Với môi trường chuồng trại hiện đại, đàn lợn thích ứng rất nhanh. “Sau những ngày vất vả, đến lúc đàn lợn đẻ lứa đầu tiên, rồi nuôi đến khi xuất bán, nhìn thấy con nào cũng trắng, béo mập nối đuôi nhau trên hệ thống cầu dẫn tự động đi vào ô tô, anh em tôi mừng rơi nước mắt” - ông Long nhớ lại.
Hiện, trang trại chăn nuôi của ông Long đã hoàn thiện và được trang bị các loại máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài khu nhà 3 tầng chăn nuôi lợn được trang bị hệ thống cầu thang máy hiện đại, nối giữa các chuồng với nhau là các cầu dẫn được xây dựng kiên cố, giúp chuyển lợn đến tận xe ô tô mà không hề phải dùng đến sức người.
Vừa nói, ông Long vừa dẫn chúng tôi đến các chuồng lợn giống, bắt lợn lên, ông bảo: “Chú xem, lợn nuôi trong mô hình mới này rất đảm bảo, tỷ lệ lợn con sau cai sữa to hơn so với chuồng trệt 1 tầng nhiều. Cụ thể, sau 21 ngày tách mẹ, lợn con nuôi trong chuồng truyền thống đạt trọng lượng từ 4 – 5,5kg thì chuồng tầng đạt từ 7kg trở lên”.
Cùng với đó, tỷ lệ động dục, đậu thai cũng đạt cao trên 90%, trong khi mô hình truyền thống chỉ khoảng 80%; tỷ lệ khô thai, thai chết lưu giảm còn dưới 3%, trước kia là 7%. Tỷ lệ con đẻ trên 1 nái đạt bình quân 9,7 – 10 con/lứa sau cai sữa. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp giảm tỷ lệ dùng thuốc kháng sinh, thuốc sát trùng chỉ bằng hơn 1 nửa so với trước. Ông Long cũng cho biết, khi nuôi ở mô hình nhà tầng, lợn luôn được kiểm soát và bảo đảm sức khỏe. Đàn lợn giống được sinh ra trong điều kiện môi trường tốt, khỏe mạnh, trong khi đó lượng thức ăn tiêu tốn ít hơn so với mô hình truyền thống.
Thịt sạch cho mọi nhà
Đầu năm 2013, thấy công ty chăn nuôi của ông Long hoạt động hiệu quả, lãnh đạo xã đã đề nghị ông sáp nhập vào làm HTX chăn nuôi, thay cho HTX trước đây hoạt động kém hiệu quả. Ông đồng ý ngay, vậy là từ Công ty CP chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long, nay chuyển thành HTX dịch vụ chăn nuôi Hoàng Long.
Đến nay, HTX chăn nuôi do ông lãnh đạo mỗi năm xuất chuồng hơn 800 tấn lợn thịt và hàng nghìn con lợn giống, mang về doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Ông Long đã đầu tư máy móc hiện đại để tự túc sản xuất thức ăn sạch. Ảnh: Hải Đăng
Không chỉ đảm bảo doanh thu tăng không ngừng, trang trại của ông còn luôn đảm bảo được tiêu chí về vệ sinh môi trường. Là người dân sống ngay bên trang trại, ông Nguyễn Văn Phương ở xã Tân Ước cho biết: “Dù sống gần trang trại chăn nuôi lớn nhưng chưa khi nào gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối hay bị ô nhiễm nguồn nước. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường luôn được ông Long làm tốt, đầu tư công nghệ xử lý hiện đại”.
Hỏi về hướng đi trong thời gian tới, ông Long cho biết: “Sắp tới HTX chăn nuôi sẽ chuyển dần từ sử dụng thức ăn nhập khẩu (cám tăng trọng) sang phương thức dùng thức ăn sạch được tạo ra bằng men ủ sinh học để thịt lợn cung cấp cho thị trường không có chất độc hại, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Ông Long chia sẻ thêm: “Hiện HTX đang xúc tiến việc xây dựng một lò mổ mini có công suất từ 4 - 6 tấn thịt/ngày. Theo đó, sản phẩm thịt lợn sạch sẽ được đóng gói, hút chân không và được đưa lên xe chuyên dụng chuyển đến cung ứng cho thị trường ở Thủ đô, sau đó sẽ mở rộng việc cung cấp thịt lợn sạch cho người tiêu dùng cả nước”.
Bà con muốn xin tư vấn kỹ thuật xây chuồng, chăn nuôi hoặc mua lợn có thể liên hệ với ông Nguyễn Trọng Long qua số điện thoại: 0982.873.527 |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn