Hỏi thăm đường đến trang trại của anh Thắng ở thôn Cốc Khê người dân địa phương ai cũng khen anh là người tốt bụng, chăm chỉ, tháo vát. Tới nơi mới thấy vợ chồng anh thật giỏi giang khi xây dựng được 1 trang trại tổng hợp đẹp như mơ giữa vùng đồng chiêm trũng...
Chị Nguyễn Thị Chanh (trái) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Ngũ Lão cho biết anh Thắng là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi hiện đại, anh Thắng vui tính kể, thời trẻ anh có nhiều ước mơ lớn lao, vĩ đại lắm. Nhưng do cảnh đông con, nhà nghèo anh đành từ bỏ việc học hành. Năm 1995, anh lập gia đình với người bạn gái cùng làng và sinh được ba người con. Hai bên gia đình nội ngoại đều nghèo nên vợ chồng anh phải tự lập hoàn toàn.
“Ngày đó, ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, 2 vợ chồng tôi phải xoay đủ thứ nghề từ mấy sào ruộng, chăn thêm đàn lợn, đàn gà… nhưng vẫn cứ nghèo. Bước ngoặt đổi đời là từ năm 2002, tôi đánh liều thuê toàn bộ diện tích khu cánh đồng lúa trũng nhất thôn Cốc Khê làm trang trại nuôi vịt đẻ, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả”, anh Thắng thổ lộ.
Những ngày đầu khởi nghiệp anh Thắng gặp vô vàn khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Để biến cánh đồng trũng nhất thôn Cốc Khê thành trang trại VAC, vợ chồng anh Thắng đã “đổ” không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào nơi đây. Rời để tiết kiệm chi phí thức ăn cho đàn vịt, không kể nắng mưa, anh Thắng thường lùa vịt ra khắp các cánh đồng trong và ngoài xã. Với anh Thắng, bữa ăn trưa giữa đồng với nắm cơm nguội hay gói mì tôm là chuyện thường ngày.
“Vất vả nhưng có thu nhập nên vợ chồng tôi cũng ham. Lời lãi từ lứa vịt này, tôi lại mở rộng đầu tư nuôi lứa vịt khác. Đến năm 2007, vợ chồng tôi mua thêm 3 mẫu ruộng nữa, mở rộng quy mô nuôi lên 5.000 vịt đẻ và lắp 10 máy ấp trứng để chủ động con giống”, anh Thắng bộc bạch.
Việc nhiều, anh Thắng phải thuê 15 người làm, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Thậm chí có lao động được anh Thắng trả công từ 10 – 12 triệu đồng/tháng.
Ngoài ấp trứng vịt của nhà nuôi, anh Thắng còn nhập thêm trứng của các hộ chăn nuôi khác. Vịt nở anh thuê người chở đến tận nơi tiêu thụ. Thời điểm này, nhiều tỉnh ở miền Bắc đã làm đại lý tiêu thụ con giống của anh Thắng. Công việc chăn nuôi vịt thuận lợi dần, mỗi ngày thức dậy là anh Thắng có tiền bỏ túi. "Biết là vẫn có tiền tiêu đấy, nhưng thị trường vịt thịt, trứng vịt, vịt giống vẫn chưa ổn định nên mình phải nghe ngóng để tự điều chỉnh...", anh Thắng chia sẻ.
Lối đi ở vườn cây ăn quả ở trang trại được anh Thắng đổ bê tông sạch sẽ.
Dẫn chúng tôi thăm khu chăn nuôi vịt được xây dựng quy củ gồm có nhà kho, khu úm giống, chuồng, sân, máng ăn, rãnh thoát nước..., anh Thắng bảo, bình quân mỗi ngày anh xuất từ 5.000 – 6.000 con giống. “Sở dĩ lượng con giống của gia đình tiêu thụ dễ dàng và được bà con tin tưởng vì họ biết rõ nguồn gốc. Khi mua con giống bà con được tư vấn, hướng dẫn tận tình chu đáo về kỹ thuật làm chuồng, cách úm giống, cho ăn theo từng giai đoạn vật nuôi, lựa mua loại thuốc thú y tốt”, anh Thắng bộc bạch.
Chỉ 1 thao tác nhỏ là anh Thắng có thể dễ dàng tưới nước cho cả vườn cây ăn quả rộng hàng chục mẫu.
Đến nay, anh Thắng đã mở rộng tổng diện tích chuyển đổi của gia đình anh Thắng lên đến 20 mẫu. Với quy mô 7.000 vịt đẻ, 5 mẫu ao cá, 12 mẫu đất trồng các loại cây ăn quả như bưởi, na, mít, cam...bình quân mỗi năm trừ hết chi phí anh Thắng còn lãi từ khoảng 1 – 2 tỷ đồng/trở lên tùy vào sự biến động của thời tiết và thị trường...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn