Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nấm của Công ty sản xuất nấm KINOKO Thanh Cao. Ảnh: Minh Nhung |
Theo Bí thư huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương, để tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. UBND Huyện đã quy hoạch và đăng ký vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô 18 ha, ở xã Lê Thanh với thành phố.
Trong cơ giới hóa, huyện cũng đẩy mạnh thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn huyện có 361 máy làm đất các loại, trong đó có 130 máy Kubota và 231 công nông; có 84 máy gặt đập liên hợp và 144 máy phụ lúa, có 50 giàn gieo sạ. Tổng số máy được hỗ trợ kinh phí của thành phố là 7 máy, tương đương 291 triệu. Đồng thời thực hiện làm đất bằng cơ giới hóa 100% diện tích, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp 90% và diện tích tưới tiêu chủ động 100%.
Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức cũng phát triển và mở rộng các vùng, khu, trang trại chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Điển hình là huyện đã xây dựng Đề án đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi phù hợp và hiệu quả, bảo đảm chăn nuôi chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện để triển khai đến các xã, thị trấn và các cơ quan. Đến nay, đã chuyển đổi được 1.647 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất chăn nuôi, thủy sản, trồng cây ăn quả có hiệu quả, xây dựng 2 mô hình điểm 5 ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại xã An Mỹ, khu trồng cây ăn quả tập trung 20,2 ha tại xã Đại Hưng. Cùng với đó là thực hiện liên kết với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả như trồng cây dược liệu 15 ha ở xã Mỹ Thành, cơ giới hóa đồng bộ các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch cây khoai tây vụ xuân 39,5 ha ở An Mỹ, cấy máy 50 ha, cấy lúa hàng biên 150 ha, sản xuất lúa giống ở xã Mỹ Thành, An Mỹ, Xuy Xá, Hợp Tiến,… quy hoạch trồng rau tập trung tại xã Bột Xuyên, Phúc Lâm, Lê Thanh 122 ha, khu nuôi trồng thủy sản tại xã Hợp Thanh 112,5 ha.
Ngoài ra, huyện Mỹ Đức cũng tạo điều kiện để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Huyện đã thí điểm mô hình sản xuất cấy giống lúa mới chất lượng cao tại xã Mỹ Thành 12,5 ha và doanh nghiệp về thu mua tại ruộng; mô hình khoai tây 39,5 ha tại xã An Mỹ doanh nghiệp về thuê đất của nhân dân để ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch và thuê nông dân thực hiện một số khâu trong quy trình sản xuất, mô hình trồng cây dược liệu 15 ha tại xã Mỹ Thành
Đặc biệt, huyện Mỹ Đức đã tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách để Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Nấm KINOKO Thanh Cao theo công nghệ của Nhật Bản tại thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín, với diện tích 0,3 ha. Đây là lần đầu tiên một Công ty Việt Nam áp dụng công nghệ, máy móc và giống nấm Nhật Bản để sản xuất nấm kim châm chất lượng Nhật Bản, vừa bảo đảm độ tươi ngon và an toàn thực phẩm. Với mục tiêu ban đầu sẽ sản xuất ra 1,5 tấn/ngày, sang năm thứ ba, công ty sẽ tăng sản lượng lên gấp đôi để bảo đảm sản lượng ổn định, đều đặn chiếm lĩnh thị phần, dần xây dựng được thương hiệu Nấm do Việt Nam sản xuất.
Để phát triển nông nghiệp, theo bà Bạch Liên Hương, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện. Hiện huyện Mỹ Đức có 41 HTX. Trong đó có 23 HTX nông nghiệp quy mô toàn xã hoạt động sản xuất kinh doanh với những khâu dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ thành viên như: Dịch vụ làm đất, điều tiết nước, bảo vệ đồng ruộng, dự tính, dự báo, khuyến nông theo đúng thời vụ, điều kiện của từng địa phương nên các thành viên tham gia đạt 100%. Có 22/23 HTX đã tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hàng năm UBND huyện đều tổ chức đánh giá, phân loại tình hình hoạt động của các HTX.
Nhìn chung các HTX nông nghiệp hoạt động có sự chuyển biến tích cực trong phương thức tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo tồn nguồn vốn, tài sản cũng như trình độ quản lý của cán bộ HTX ngày được nâng cao. Việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, điển hình như HTX nông nghiệp An Mỹ là đơn vị tiêu biểu của huyện trong tổ chức sản xuất các khâu dịch vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp vẫn là tự túc của các thành viên, liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít, quy mô nhỏ. Sức cạnh tranh với các doanh nghiệp, công ty còn nhiều hạn chế.
Nhìn chung, có thể thấy sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Đức trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi thủy sản, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn. Nhờ vậy đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,6 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2017 sẽ đạt 34,1 triệu đồng/người/nămNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn