Con đường dẫn vào thâm sơn cùng cốc-nơi tỷ phú, "gã cao bồi" miền núi Lường Văn Sơn thường cưỡi "ngựa sắt" Fortuner đi thăm đàn trâu, bò và trang trại. Ảnh: Xuân Tuấn.
Hạt thóc, bắp ngô, củ khoai ở nơi này rất sẵn, đất rộng bát ngát, người dân cần cù chịu khó…mà cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thừa tiềm năng, nhưng thiếu người đánh thức đó, anh Lường Văn Sương đã vượt qua bao gian nan và trở thành tỷ phú đầu tiên của đất Đồng Chum.
Một con bò “đẻ ra” 200 triệu đồng
Đồng Chum cái tên lạ lạ ấy cũng là xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Giữa nơi rừng hoang, núi thẳm này, anh Lường Văn Sương (SN 1972) đang sở hữu hơn 100 con trâu bò và 10ha chanh leo cùng 3 chiếc xe ô tô và 2 máy xúc. Bí quyết để gây dựng được khối tài sản kếch sù đó của anh Sương đều bắt nguồn từ đất. Người đàn ông dân tộc Tày này đã dám nghĩ, dám làm để bắt đất phải sinh sôi.
Tỷ phú Đồng Chum Lường Văn Sương bên 1 góc đàn bò hơn 100 con trong trang trại rộng lớn vùng cao huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Xuân Tuấn.
Ngôi nhà của anh Sương ở cạnh đường chính vào bản Nà Lốc, xã Đồng Chum. Trước cửa nhà có treo tấm biển nền đỏ rõ oách: Công ty TNHH một thành viên Đại Sương. Anh Sương lấy tên mình để đặt tên cho công ty.
Người đàn ông đã ngoài tứ tuần có vóc người đậm và săn chắc như cây lim, cây nghiến ở trên rừng, giọng nói sang sảng như chuông buổi sớm. Biết có khách phương xa đến chơi, anh Sương tay bắt mặt mừng như anh em xa lâu ngày mới về. Tính hiếu khách của người Tày đã ngấm sâu vào tâm hồn người đàn ông nơi sơn cước này. “Ấy dà, mấy bữa nay mưa quá nhà báo à. Trồng cây, chăn nuôi đều vô cùng vất vả. Có đổ mồ hôi trên nương, trên rẫy gặt cái trái, cái bắp mới cảm nhận được vị ngọt của nó”, anh Sương hồ hởi chia sẻ.
Cũng chỉ kịp nói vài câu ẩn ý đó, anh Sương diện quần lửng rồi vội lên chiếc xe ô tô nhãn hiệu Fortuner trị giá hơn tỷ bạc để ra vườn. Con dốc dài hơn 2km dẫn lên núi Bưa Bao – nơi anh anh đặt trang trại đã được rải đá giúp anh Sương lái chiếc xe trị giá bằng 400 tấn ngô chạy êm ru.
Vừa đi anh Sương vừa kể, trước đây trang trại của anh chưa có đường. Vận chuyển mọi thứ bằng sức người hết. Đưa được hạt thóc, hạt ngô xuống núi, ai cũng toát mồ hôi, mệt bở hơi tai. Từ khi mạnh dạn đầu tư phá đá, mở đường lên núi, sản vật trong trang trại mới dần có giá. |
Bầu trời xứ Mường như thẩm tím sau những cơn mưa rả rích cả tháng nay. Trang trại của anh Sương hiện lên giữa bốn bề mây núi. Theo hướng chỉ tay của anh Sương, cả một vùng núi non dài ngút tầm mắt dần hiện lên. Xa xa là mảng rừng xanh ngắt. Điều lạ là xung quanh khu đất rộng này đều được rào dậu cẩn thận.
Bước xuống ô tô, anh Sương đi phăm phăm. Đến với trang trại, anh như được trở lại là chính mình. “Đây là khu nuôi trâu, bò. Tôi đã chi hơn 400 triệu đồng để làm cái hàng rào này đấy. Bù lại, tôi đi chơi cả ngày mà cả trăm con trâu, bò không đi ra khỏi đất của mình”, anh Sương tự hào nói.
Giữa không gian mênh mông, tiếng mõ bò vang lên đều đều tựa như bản nhạc vui tai xua tan vẻ tĩnh mịch nơi miền sơn cước. Đám bò, con nào con nấy béo trùng trục từ nhiều hướng đổ dồn về khu trại khi nghe tiếng gọi của anh Sương. Từng con nối đuôi nhau tạo thành hàng dài cả trăm mét kéo về dãy chuồng trại được làm kiên cố. Xung quanh chuồng là 5ha cỏ voi tốt um. Chúng là nguồn dự trữ cho đàn bò trong những ngày đông, tháng giá.
Tỷ phú Đồng Chum Lường Văn Sương sẵn sàng cởi bộ áo quần chỉn chu, sành điệu đánh áo cộc tay, quần đùi vào chuồng cho bò ăn, dọn vệ sinh. Ảnh; Xuân Tuấn.
Đàn bò của anh Sương lớn nhất đất Mường. Ít ai nghĩ rằng, anh Sương lại khởi nghiệp chỉ bằng 1 con bò. Anh Sương khoát tay đi một vòng quanh khu chăn nuôi rồi bất ngờ dừng lại bên một con bò cái béo mầm. Chú bò này húc húc cái đầu bày tỏ cảm tình với chủ như là người bạn thân lâu ngày mới gặp.
Vỗ về con bò, anh Sương bảo “Đây là con bò khởi nghiệp mà tôi mua từ năm 2008 với giá chỉ 2,8 triệu đồng. Sau gần chục năm chăm nuôi, đến giờ con bò cái này đã cho sinh nhiều thế hệ lên đến 20 con khác. Tổng sinh lợi của riêng con bò này mang lại khoảng 200 triệu đồng.
Để những con bò trở thành “máy” in tiền, anh Sương cũng trải qua không ít những phen lao đao. Người dân nơi đây quen nuôi trâu bò thả rông, chuồng trại đơn sơ, nên nhiều đợt trâu, bò lăn ra chết cả loạt. Nhớ đợt rét kỷ lục năm 2015, tuyết rơi trắng xóa cả Đồng Chum đã làm chết 3 con bò và 4 con trâu của anh, dù trước đó đã mua thêm 10 bóng đèn cao áp để sưởi nhưng vẫn không thể cứu nổi những con sức yếu hay mới sinh.
“Ngân hàng” biết đi bằng 4 chân giúp người nghèo
Sau mỗi năm nuôi bò, anh Sương lại rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc chúng. Anh cất công về tận Trung tâm Gia súc lớn ở Ba Vì (Hà Nội) “sắm” chú bò đực nặng tới nửa tấn để tạo ra những con giống quý. Nhờ thế mà thể trọng đàn bò không ngừng tăng lên.
Tuy cơ nghiệp đã có cả chục tỷ đồng nhưng anh Sương còn nhiều trăn trở lắm. Người đàn ông người dân tộc Tày này luôn nung nấu: Làm sao giúp người dân nơi đây thoát nghèo ? Mỗi lần lên nương, lên núi, anh Sương lại nhói lòng: Nhiều bà con ở nơi này còn nghèo lắm. Đất đai thì rộng bát ngát, nhưng nhiều nhà cái ăn, cái mặc còn thiếu. Cần phải giúp bà con đánh thức tiềm năng vùng đất này. |
Gây dựng được đàn bò lớn như vậy, anh Sương đã mất cả chục năm trời. Giờ anh bắt đầu gặt hái quả ngọt, năm nào anh cũng xuất bán được vài chục con. Mỗi con bò xuất chuồng anh thu được 15 triệu đồng, tương đương 10 tấn dong riềng. “Nuôi bò rất nhàn, mình phòng dịch tốt và trồng thêm cỏ voi cho bò là chúng phát triển rất nhanh” - anh Sương chia sẻ.
Với quan điểm ấy, anh Sương không ngừng giúp đỡ bà con sống quanh mình. “Bà con không có đủ vốn để mua bò giống nên tôi đã cho bà con nuôi rẽ. Tôi đưa bò mẹ cho bà con nuôi. Lợi nhuận thu được chia 50/50”, anh Sương hồ hởi nói.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi anh Xa Văn Rón ở xóm Pà Chè, xã Đồng Chum đi qua. Gặp anh Sương, anh Rón mừng lắm. Anh Rón bảo: “Anh Sương là ân nhân xóa nghèo của tôi cũng như nhiều hộ khác ở đây đấy. 3 năm trước, anh Sương đã cho tôi nuôi rẽ 2 con bò cái. Bây giờ đàn bò đó đã đẻ thêm được 4 con. Vậy là tôi có 2 con bò để làm vốn riêng rồi. Nhiều gia đình khác còn xây được nhà cửa như ông Lường Văn Pện, Xa Văn Lương ở xóm Nà Lốc, Xa Văn Hiệu, Xa Văn Sen ở xóm Mới... Họ cũng nhờ nuôi rẽ bò của anh Sương mà khá lên đấy…”.
Nghèo là có lỗi với đất
Anh Sương kể, ngày trước Đồng Chum đường xá đi lại khó khăn, nên bà con nuôi con trâu, con bò bán rẻ như cho. Cây ngô, cây lúa cũng vậy, thu nhập của bà con không đủ bù chi phí. Trước năm 2000, xã Đồng Chum chưa có đường ô tô. Đường vào xã chỉ là một con đường mòn. Khi làm cái trang trại này, tôi bỏ công bỏ sức, thuê người ủi đất làm mất nửa năm trời mới thành con đường ô tô đi tạm được như bây giờ…
Ngoài nuôi hơn 100 con trâu, bò, tỷ phú Đồng Chum Lường Văn Sương còn trồng 10ha chanh leo đang bước vào thời kỳ cho thu hoạch quả. Ảnh: Xuân Tuấn.
Con đường lập nghiệp của anh Sương cũng đã trải qua muôn vàn gian nan. Giống như bao trai bản khác, anh Sương lấy vợ từ rất sớm. Nhà đông anh em lại nghèo khó, ngày vợ chồng anh ra ở riêng, được bố mẹ cho mảnh đất nhỏ ven đường để lập nghiệp. Đôi vợ chồng trẻ chỉ biết động viên nhau làm ăn, với hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn.
Với niềm tin mãnh liệt đó, ngày ngày vợ chồng anh lên núi khai hoang, lập nghiệp. Khi lên núi, mỗi người phải khoác một can nước 10 lít nước. Khi được bố mẹ cho 800 ngàn đồng từ tiền bán trâu và vay người anh ruột thêm ít tiền, anh quyết định mua một máy xát gạo để làm dịch vụ trong xóm.
Nhẫn nại cày xới trên nương, tối về lại tập trung bên chiếc máy xát để kiếm thêm. Nhờ tần tảo, đời sống gia đình anh từng bước xóa được đói, giảm được nghèo. Khi con đường liên xã bắt đầu được mở, anh Sương mạnh dạn vay tiền mua máy xúc, 2 ô tô tải để làm ăn. Mỗi một một lĩnh vực mở ra, vẫn tinh thần kiên trì, không ngại gian khó nên anh Sương sớm thành công. Kiếm được bao nhiêu tiền là anh đầu tư vào trồng rừng, nuôi bò.
Năm 2015, anh còn mạnh vào tận Nghệ An lấy giống chanh leo về trồng. Sau hơn một năm, 10ha chanh leo đã phát triển tốt. Dự kiến mỗi năm anh cũng thu được cả tỷ đồng.
Nói về nghị lực của con trai mình trong những ngày gian khó đó, ông Lò Văn Muôn (bố của anh Sương) không giấu nổi niềm tự hào: “Bao đời người Tày nơi đây sống khổ lắm. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn đủ đường. Thấy vợ chồng nó quyết tâm làm ăn và nó đã thay đổi được cả vùng đất này, tôi vui lắm”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn