Chăm sóc cho khoai tây |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đức Hân, Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Nam Định) cho biết, theo kế hoạch, toàn tỉnh gieo trồng hơn 12.305ha rau màu các loại. Đến nay đã gieo trồng đạt trên 80% diện tích. Tập trung thâm canh các loại cây chủ lực là ngô, khoai tây, bí các loại và rau các loại.
Theo ông Hân, tổng lượng mưa đo được từ ngày 9 - 11/10, trên địa bàn tỉnh là trên 300mm kết hợp với việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình đã khiến mực nước tại sông dâng lên cao nên nước trong ruộng không tiêu thoát được, gây ngập úng nặng, dẫn đến nhiều diện tích lúa bị hư hỏng, hơn 1.000ha rau màu các loại đã gieo trước ngày 9/10 bị chết hoàn toàn.
“Trước những thiệt hại ở vụ mùa vừa qua, ngành nông nghiệp Nam Định đang tập trung đẩy mạnh vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm 2017”, ông Hân cho biết thêm.
Được biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu vụ, Sở NN-PTNT Nam Định đã chỉ đạo sát sao công tác thực hiện, yêu cầu các huyện tranh thủ thời vụ, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ đông, hướng dẫn và vận động tích cực các hộ nông dân mở rộng diện tích gieo trồng cây khoai tây và các cây rau ngắn ngày trên đất 2 lúa.
Tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh các cây trồng vụ đông theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú trọng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và có biện pháp chủ động phòng chống mưa úng cho cây vụ đông, nhất là những diện tích trên đất 2 lúa.
Ông Trần Văn Nhật, Phó Chủ tịch xã Nam Dương cho biết, sản xuất vụ đông trên địa bàn xã tập trung vào miền 2 và miền 3 với 374ha rau màu các loại. Trong đó, khoai tây chiếm gần 50%. “Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra trong vụ mùa vừa qua, lãnh đạo xã đã chỉ đạo người dân tập trung phát triển vụ đông để bù lại cho vụ mùa”, ông Nhật nói. |
Để đầu ra sản phẩm của người dân không bị “tắc” sau khi thu hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã ký hợp đồng liên kết với Cty Bình Dương, Cty Đồng Giao, Tập đoàn Vingroup trực tiếp thu mua sản phẩm cho nông dân.
Theo ông Vũ Văn Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực, toàn huyện đã gieo trồng được hơn 1.000ha, tập trung vào khoai tây (hơn 700ha) còn lại là ngô, rau các loại.
Vụ đông năm 2017 trên địa bàn huyện Nam Trực gặp một số khó khăn như mưa nhiều làm vụ đông chậm tiến độ, bên cạnh đó chi phí dịch vụ nông nghiệp, thuốc BVTV tăng và dịch bệnh… đã khiến nhiều hộ gia đình không còn mặn mà với đồng ruộng, đặc biệt là sản xuất cây vụ đông.
“Phòng NN-PTNT huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện nhằm hạn chế, khắc phục dần những khó khăn trên để phấn đấu vụ đông của toàn huyện sẽ tốt dần lên”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nhằm giảm thiểu những khó khăn cho nông dân, huyện Nam Trực đã hỗ trợ 5.000 đồng/kg khoai tây. Đến nay, toàn huyện đã trợ được khoảng 30 tấn khoai tây cho nông dân.
“Chủ trương của toàn huyện là không làm theo phong trào, chủ động liên kết với Cty Orion, Cty Hòa Hưng, Cty Minh Dương để tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân”, ông Thắng cho biết thêm.
Chạy dọc theo con đường nhựa từ xã Nam Hùng về thị trấn Nam Giang, trên những cánh đồng chúng tôi thấy người dân đang hối hả với những công việc của họ, người xuống giống, người kéo đất làm vồng…
Trò chuyện với ông Vũ Văn Sinh (thị trấn Nam Giang), tôi được biết, do vụ mùa vừa qua bị thiệt hại nặng nề nên gia đình ông đang tập trung vào sản xuất cây vụ đông. Toàn bộ 2 sào ruộng, gia đình ông tập trung trồng khoai tây.
Theo ông Sinh, trồng khoai tây không tốn công chăm sóc mà lại nhàn. Năng suất khoảng 5 - 7 tạ/sào. Với giá bán dao động từ 6 - 10 nghìn đồng/kg thì sau khi thu hoạch gia đình ông cũng “đút túi” được gần 10 triệu đồng để tiêu tết.
“Vụ mùa năm nay thất bát nên gia đình tôi đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, tích cực chăm sóc 2 sào khoai tây để sau thu hoạch gỡ được tý vốn nào hay tí đó”, ông Sinh rầu rĩ.
Ông Trần Văn Bình đang buộc giàn cho dưa leo |
Vừa làm giàn cho cây dưa, ông Trần Văn Bình (xã Nam Dương) vừa chia sẻ, từ lâu vụ đông ở làng Bái vẫn được coi là vụ chính trong năm bởi chi phí đầu tư thấp, giá thành sản phẩm sau khi thu hoạch lại cao, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi nên người dân nơi đây vẫn xác định vụ đông là vụ sản xuất chính.
“Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 1 sào dưa leo, như mọi năm nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì cũng thu hoạch được khá”, ông Bình phấn khởi.
Theo Mai Chiến/Báo Nông Nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn