Nuôi tôm công nghệ cao
Ông Nguyễn Viết Thắng (xã Nghi Yên, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: “Nuôi tôm công nghệ cao tất cả đều sử dụng công nghệ vi sinh, không kháng sinh, không hóa chất, đưa những vi sinh vật có lợi vào bể lấn át những vi sinh vật có hại, thân thiện với môi trường”.
Được biết, tôm là con nuôi rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết và môi trường, vì vậy để hạn chế dịch bệnh cho tôm, tránh thất thu cần kiểm soát môi trường ao nuôi tốt. Với mô hình này, ao nuôi tôm được thiết kế nổi, có diện tích phù hợp, thường chỉ từ 500 m2 cho đến 900 hoặc 1.000 m2/ao. Ao nuôi không đào âm xuống nền đất mà dùng tường bao bằng bê tông xi măng vây quanh, hoặc khung thép và đáy ao được phủ kín bằng nilon chuyên dụng HDPE.
Bên cạnh đó, giữa mỗi ao được thiết kế một rốn phễu để xả các chất thải trong ao ra ngoài hệ thống lọc, xử lý. Với cách làm này, môi trường trong ao nuôi luôn được làm sạch, tôm ít dịch bệnh hơn. Nước cung cấp cho vùng nuôi được lấy trực tiếp từ ngoài biển vào qua hệ thống lọc và xử lý nguồn nước hiện đại nên tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo giữa các ao nuôi với nhau.
Với thiết kế ao nuôi 500m3, gia đình anh Thắng có thể nuôi với mật độ từ 200.000/bể. Trong điều kiện được chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, tôm phát triển bình thường, khoảng từ 3 tháng tôm sẽ đạt khoảng 45 - 50 con/kg. Nếu được mùa, bình quân 1 ao nuôi trong 1 năm cho thu hoạch 2 đến 3 tấn tôm. Vụ chính có giá trung bình 100.000đ đến 200.000đ/kg, còn trái vụ thì 230.000đ/kg. Theo như anh Thắng, sau khi trừ hết chi phí, một vụ lãi 200 đến 300 triệu đồng. Một năm, anh Thắng thả được 3 vụ, nuôi dưới hình thức cuốn chiếu.
Quan trọng nhất là con giống
Nếu con giống khỏe mạnh, giống tốt thì sẽ thuận lợi cho quá trình tôm trưởng thành. Theo như anh Thắng cho biết, giống được lấy tại Quảng Bình. Hiện tại, anh thắng có 6 bể nuôi, 2 bể dùng để ươm giống. Mỗi bể đầu tư từ 130 triệu đến 150 triệu đồng, diện tích mỗi bể 500m2. Một m2 thả được 300 con, vượt trội hơn so với nuôi truyền thống 100 con. Nuôi tôm gồm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 25 đến 30 ngày, đến giai đoạn thứ 3 thì giảm mật độ nuôi xuống, rồi quay lại giai đoạn 1 ươm giống. Với kiểu cuốn chiếu như vậy, dường như quanh năm, anh Thắng đều có tôm cung ứng ra thị trường.
Người ta nói, nuôi tôm một vụ được bằng 3 vụ mất. Nói dễ thì dễ, mà khó thì cũng rất khó. Bởi không chỉ phụ thuộc vào con giống, mà còn phụ thuộc vào thời tiết, vì tôm thẻ chân trắng thích hợp trong nhiệt độ từ 26 đến 30 độ C. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào giá thức ăn, thuốc men, điện.
Anh Thắng lý giải, với mô hình này, có thể đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Bởi trên diện tích nhỏ, nhưng sản lượng thì lại lớn. So với nuôi tôm theo phương thức truyền thống, ít được quan tâm đầu tư hạ tầng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm đem lại hiệu quả rõ rệt. Với mô hình này, tôm sẽ ít dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa.
Trên địa hình đất đá, việc anh Nguyễn Viết Thắng áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm đã là sự mạnh dạn, sáng tạo. Đây là mô hình tiến bộ, nhiều cải tiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường, hơn cả là mang lại nguồn thu nhập ổn định.