Chị Nguyễn Thị Khuyên, xóm 4, xã Hải Đường chăm sóc vườn thanh long của gia đình. |
Giống cây lạ hợp đất, hợp người
Gia đình ông Vũ Hồi Thuần, xóm 9, xã Hải Đường hiện có trên 5 sào thanh long với hơn 300 trụ cây. Vườn thanh long nhà ông, trụ nào trụ ấy tốt tươi, ken dày đặc, vươn cao lên lưng chừng những thân cau với 2 giống ruột đỏ và trắng, trong đó, thanh long ruột đỏ chiếm khoảng 1/3 diện tích. Là một trong những người trồng thanh long lâu năm ở Hải Đường, theo ông Thuần, cây thanh long thuộc họ xương rồng nhưng ăn được quả do người làng đi làm ăn ở Ninh Thuận, Bình Thuận mang về. “Chắc cũng khoảng gần hai chục năm gì đó, cây thanh long về đến đồng đất quê tôi. Hồi đó, tôi cũng đang mải mê đi làm ăn, phiêu bạt khắp nơi. Về đến làng, hỏi thăm mới biết là cây thanh long. Tôi thấy hay hay cũng xin giống về trồng. Thế rồi bẵng đi một vài năm, hợp đất, hợp người, cây lan ra cả xã, trong đó có những xóm, gần như nhà ai cũng trồng”, ông Thuần cho biết. Thời điểm cây mới về Hải Đường, ông Thuần cũng chỉ cấy vài trụ. Công việc chuẩn bị đất trồng thanh long tương đối đơn giản, đất được xáo xới kỹ rồi phơi nắng phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh. Chuẩn bị đất xong, đào lỗ xuống trụ. Với các cây cho leo lên trụ bê tông, ông thường làm trụ cao trên 1m. Sau khi chôn xong trụ thì đào âm xung quanh sâu độ từ 10-20 cm, đường kính 1,5m, bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặt lên và đặt hom. Một trụ cấy khoảng 4 ngọn, cho cây bò vào thân cau hoặc cột bê tông. Khi cây đã bắt đầu bám vào trụ, ông Thuần dùng vải mềm bó chặt ngọn vào thân trụ bê tông hoặc gốc cây cao. Cách khoảng 3m cấy 1 trụ. So với nhiều giống cây ăn quả khác, thanh long rất dễ trồng lại không tốn nhiều công chăm sóc, tưới tiêu, sâu bệnh cũng ít. Mặc dù thanh long chịu hạn giỏi, nhưng nếu nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và làm giảm năng suất. Do đó, cần thường xuyên tưới nước cho cây. Tùy theo độ ẩm đất mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3-7 ngày/lần. Căn cứ vào tính chất đất, độ tuổi, sản lượng của cây mà bón phân. Thường 1 năm ông Thuần bón phân cho cây khoảng 4 lần. Nhằm ngày mưa, ông ra vườn vãi phân cho thanh long để cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Nhìn chung thanh long tương đối ít bị sâu bệnh phá hoại như một số cây ăn quả khác. Tuy nhiên để phòng trừ các loại côn trùng như kiến, bọ xít, ruồi vàng, các bệnh thối đầu cành, đốm nâu trên cành, nám cành…, cần sử dụng một số thuốc đặc trị để phun cho cây. Nhờ chăm sóc hợp lý, vườn thanh long của ông Thuần nhanh chóng cho thu hoạch. Năm thứ nhất ông cấy thanh long thì đến năm thứ 2 cây bắt đầu cho quả. Các vườn thanh long trong xóm, ngoài làng ở Hải Đường đều bắt đầu như thế. Cuối tháng 4, cây “bói” những nụ hoa đầu mùa rồi cho thu hoạch đến hết tháng 8 sang đầu tháng 9 âm lịch khi trời bắt đầu heo may. Trong vòng khoảng 5 tháng, cây cho thu hoạch từ 4-5 đợt. Người trồng thanh long ước tính, từ lúc cây ra nụ đến khi quả chín gói gọn trong vòng vài tháng. Riêng đối với thanh long ruột đỏ, cây sẽ ra hoa sớm hơn 1 tháng và thu hoạch lứa cuối muộn hơn 1 tháng. Cuối vụ nếu người trồng muốn tận thu thêm thì phải kích điện cây mới ra hoa, cho quả. Hết mùa, người trồng cây tỉa bớt cành dưới gầm, kích thích các cành non sinh trưởng và phát triển, tránh để cây quá nặng, phòng trừ gió bão.
“Ngọt ngào” mùa vụ
Gia đình chị Nguyễn Thị Khuyên, xóm 4, xã Hải Đường hiện có 200 trụ thanh long ruột trắng, tính đến nay cũng đã được khoảng 4 đến 5 năm. Chị Khuyên cho biết, đây là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít chi phí đầu tư. Thời điểm mới trồng, chị Khuyên hầu như không phải bỏ vốn mua cây giống mà chỉ mất tiền đổ bê tông cho các trụ cột. Với giá 80 nghìn đồng/trụ, chị Khuyên đầu tư hết khoảng trên chục triệu đồng làm giàn cho cây leo. Theo tính toán của chị Khuyên, trung bình mỗi vụ thanh long, một trụ cây cho thu về khoảng 30kg quả. Đầu mùa, với mức giá nhập bán cho thương lái tại vườn khoảng 20 nghìn đồng/kg, giữa mùa dao động từ 10-15 nghìn đồng/kg, mỗi vụ thanh long, trừ chi phí chị Khuyên thu về khoảng 90 triệu đồng. “Trồng cây thanh long có hiệu quả hơn nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt, đây là giống cây không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu ít”, chị Khuyên nói. Chia sẻ thêm về giá trị thương phẩm của cây thanh long, ông Vũ Hồi Thuần nhận định, cây thanh long chiếm ưu thế hơn nhiều loại cây ăn quả khác. Theo ước tính của ông Thuần, 1 vụ thanh long, vườn nhà ông thu được gần chục tấn quả. Trừ chi phí, ông thu về trên 100 triệu đồng. So sánh thêm giữa 2 giống thanh long ruột đỏ và trắng, ông Thuần thấy thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. “Lý do là bởi thanh long ruột đỏ có thời gian thu hoạch sớm và dài hơi hơn, do đó ít bị cạnh tranh. Hơn nữa, thị trường cũng ưa chuộng, đánh giá cao loại quả màu đỏ do màu sắc bắt mắt, độ ngọt cao hơn”. Tuy vậy, thanh long ruột đỏ không phải là không có “yếu điểm”. Theo đánh giá của các hộ trồng thanh long lâu năm ở Hải Đường, cành thanh long đỏ giòn và dễ gãy hơn so với thanh long trắng. Quả đỏ cũng không chắc thịt như quả trắng, do đó hay bị úng, thối. Vỏ quả thanh long ruột đỏ cũng dễ bị nhão, dập, khó khăn cho người vận chuyển. Trồng cây thanh long lâu năm, những nông phu chăm chỉ ở Hải Đường còn có thể tận dụng khoảng đất trống phía dưới cây để cấy các loại cây khác như: đinh lăng, các loại rau, rau thơm… Từ đó họ có thêm nguồn thu trên cùng một diện tích. Đối với những hộ trồng thanh long cho bám vào cau, cây cau vẫn đảm bảo sinh trưởng, phát triển bình thường. Bởi thanh long ăn dinh dưỡng theo màng nổi, cau thì ăn theo rễ chùm xuống đất.
Tháng 7 nắng chang chang, đi dọc các đường dong ngõ ở Hải Đường chỉ thấy cây lá xanh mướt, mát mắt. Từ đầu đến cuối dong là những hàng cau cao vút, thẳng tắp tỏa hương thơm dịu dàng. Bám dưới thân cau những trụ thanh long mạnh khỏe, vươn cành khoe nụ, quả mới. Chỉ còn khoảng hơn chục ngày nữa, những trụ thanh long ruột trắng bắt đầu cho thu hoạch. Làng trên xóm dưới lại rộn ràng, tấp nập những chuyến xe đi về của thương lái thu mua thanh long. Các mẹ, các chị ở đây cũng tất bật hơn ngày thường. Họ vội vã hái chuyển lên xe hoặc mang ra chợ lẻ đổ cất, đóng thùng vận chuyển đi Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lân cận khác. Họ còn cẩn thận chọn những quả thanh long trên những cành bám cao, xa nhất vào thân cau, vỏ mọng đỏ, mỏng như giấy để đãi khách gần xa, dành cho con cháu. Đấy là những quả, theo người trồng là “hoang dã” nhất, hưởng được nắng gió của thiên nhiên, đất trời./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân/baonamdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn