Anh Giang Sơn Hà ở ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, nhớ lại những ngày chưa xa, khi nhà anh còn trồng rau theo kiểu truyền thống mà… rùng mình. Khi ấy, cũng giống như một số hộ trồng rau bán trôi nổi ngoài chợ bây giờ, để rau đẹp và lời nhiều, anh đã xịt thuốc trừ sâu vô tội vạ. Các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại như thuốc trị quăn lá, cứng lá, vàng úa, sâu vẽ bùa… đều được anh sử dụng thoải mái. Đặc biệt, trước khi nhổ đem bán thì đêm hôm trước, không ít nông dân như anh còn lén sử dụng các loại “thần dược” như thuốc tăng phọt để rau mọc mầm non, có màu xanh mướt.
Chuyên gia Canada đang hướng dẫn trồng rau VietGAP cho xã viên HTX Phước An, TP.HCM.
Anh Hà bảo bán rau mà chưa bao giờ dám ăn rau của mình. Nhìn nhiều người mua về ăn mà anh thấy lương tâm cắn rứt, tối về không ngủ được... Nhưng lúc ấy anh muốn làm khác đi cũng không biết cách. Thế rồi nhân dịp thành phố phát động trồng rau an toàn, thành lập liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung năm 2002, anh Hà xin vào liên tổ để được hướng dẫn trồng rau an toàn. Đến 2009, khi có dự án tài trợ của Canada xây dựng mô hình sản xuất rau VietGAP, anh cũng xung phong tham gia.
Trồng rau theo VietGAP, vợ chồng anh phải sử dụng bảo hộ lao động, ghi chép nhật ký đồng ruộng rõ ràng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng cách, khuyến khích dùng các loại thuốc sinh học, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch... Những biện pháp đó không những bảo vệ được môi trường, sức khỏe người tiêu dùng mà trước tiên sức khỏe gia đình anh cũng được đảm bảo. “Nhiều lúc rau nhiều, liên tổ không tiêu thụ hết, tôi phải đem rau ra ngoài chợ bán. Nhìn những hàng rau kế bên xanh mướt, màu sắc đẹp đẽ, nhìn rất bắt mắt, trong khi rau của mình thì xấu hơn nhiều, vợ chồng tôi chỉ nhìn nhau cười, trong lòng rất bình thản” – anh Hà chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Nghĩa (xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh) cũng trồng 2.500m2 rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích rau của anh Nghĩa được chứng nhận VietGAP từ năm 2010 trong một chương trình sản xuất an toàn do Canada hỗ trợ, với những loại rau do khách hàng yêu cầu như cải lá, quế thái, cải bông, cải xanh... Mặt khác, anh cũng được Công ty cổ phần Thế giới thông minh (Wehg) hỗ trợ 100% tiền phân bón hữu cơ. Giá rau bán ra cao hơn thị trường khoảng 30%. Nếu giá thị trường xuống thấp, rau của anh vẫn được giữ giá theo đúng hợp đồng đã ký.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, từ năm 2009 cho đến nay, thành phố đã chứng nhận cho hơn 350 tổ chức, cá nhân sản xuất rau quả trên địa bàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích hơn 200ha. Tất cả các đơn vị này đều được sở kết nối với các siêu thị, doanh nghiệp, nhà hàng, trường học, bếp ăn tập thể… để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Phụng Anh