Ở khu vực Long Sơn chưa từng ghi nhận việc nuôi hay đánh bắt cá mú lớn như con cá của ông Hòa đang nuôi. Ảnh: Nguyễn Khoa.
Mười hai năm trước, ông Trịnh Kỳ Hòa (quê Sóc Trăng) đầu tư 2.000 m2 lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) nuôi cá. Ông mang theo cặp cá mú nghệ nặng 1,5 kg còn sót lại khi thu hoạch trong ao đất xuống nuôi thử nghiệm trong bè gần 20 m2.
Chừng một năm sau, thấy cặp cá hợp nước, lớn nhanh, ông đầu tư mua giống về thả nuôi hàng loạt và đem lại nguồn thu nhập lớn trong vài năm liền. Khi cặp cá mú "làm cảnh" nặng hơn 30 kg, thương lái nhiều lần nài nỉ mua nhưng ông kiên quyết giữ lại.
Cách đây 6 năm, một trong hai con cá mú bị chết không rõ nguyên do. "Con cá chết cân nặng gần 40 kg, tiếc lắm. Dù lo ngại số phận con còn lại nhưng tôi nghĩ và quyết tâm chăm sóc kỹ để nó thật khỏe mạnh và đã sống được 12 năm", ông Hòa nói.
Con cá mú thân đã to hơn người lớn, dài 1,2 m, nặng trên 80 kg và mỗi năm thêm gần 10 kg. "Vừa rồi, tôi nhờ mấy người cắt chiếc thùng phuy nhựa lùa vào đưa lên cân thử nhưng con cá vùng vẫy rất dữ nên phải chịu thua vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của nó", ông cho hay.
Ba ngày ông Hòa cho con cá ăn một lần chừng 20 con cá tạp. Ông cho biết, con cá mú này rất nhạy cảm với nước. Đúng 3 ngày cá không quẫy nước ầm ầm đòi ăn thì y như rằng nước sông bị ô nhiễm. Điều này giúp ông kịp thời có biện pháp ứng phó để đàn cá nuôi trong các lồng khác không bị chết hàng loạt.
Nhiều năm nay, những người trong và ngoài nước biết đến con cá đã tìm xuống bè xem, chụp ảnh. Chủ các nhà hàng lớn ở Sài Gòn đến ngỏ ý mua con cá với giá một triệu đồng mỗi kg nhưng ông nhất quyết không bán. "Với bản thân tôi, con cá vô giá, nó là một kỷ vật trong nghiệp nuôi cá trên sông. Ngày nào đó lên bờ, chắc chắn tôi cũng sẽ mang nó lên cùng", ông Hòa nói.
Mấy năm gần đây, người nuôi hải sản lồng bè trên sông Chà Và rơi vào tình trạng thua lỗ do mật độ lồng bè dày đặc, nguồn nước bị ô nhiễm. Riêng ông Hòa vẫn sống khỏe với thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm nhờ đàn cá mú vài tuổi, trọng lượng 4-30 kg và đàn cá chim.
Phần đầu và thân con cá to hơn thân người lớn. Ảnh: Nguyễn Khoa.
Cá mú nghệ có tên khoa học là Epinephelus lanceolatus, là loài cá xương lớn nhất được tìm thấy ở các rạn san hô. Loài này sống ở khắp vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trừ vịnh Ba Tư. Con lớn có thể dài đến 2,7 m và nặng tới 600 kg. Chúng thường sống ở vùng nước nông và ăn nhiều loài thủy sinh ở biển, kể cả cá mập nhỏ và rùa biển nhỏ.
Năm ngoái, ngư dân ở Phú Quốc bắt được cá mú nghệ nặng hơn 100 kg.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn