Gia đình ông Bùi Văn Sớm là một trong những hộ đầu tiên đưa cây đinh lăng về trồng tại xã Hải Quang - nơi trồng nhiều đinh lăng nhất tại Hải Hậu. Ông Sớm cho biết, sau một thời gian đi thu mua cây đinh lăng tại các xã khác trên địa bàn để bán cho các đại lý, đầu năm 2011 gia đình ông bắt đầu trồng thử loại cây này.
Ba năm sau, gia đình ông thu được 6 sào đinh lăng đầu tiên, nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng tại đây tốt cho sự phát triển của đinh lăng mà thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa nên ông Sớm quyết định đầu tư mở rộng diện tích.
Với diện tích trên 5 ha, ông Sớm chia thành nhiều mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu để năm nào cũng có đinh lăng tiêu thụ ra thị trường. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng. Hiện gốc và rễ cây đinh lăng được bán với giá 35.000 đồng/kg, lá đinh lăng khô có giá 20.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Sớm, với khoảng 3 tấn đinh lăng/năm, gia đình ông thu lợi trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Trong y học cổ truyền, cây đinh lăng được ví như cây sâm của người nghèo: Rễ cây đinh lăng có thể chữa phong thấp, thấp khớp, ho suyễn, lá đinh lăng dùng để chữa các bệnh ngoài da như nổi mề đay, ngứa, dị ứng và củ đinh lăng có thể ngâm rượu dùng trong các bữa ăn hàng ngày để bảo vệ tế bào gan, chữa chứng thiếu máu não, mất ngủ… Do đặc tính dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa nên diện tích không ngừng được mở rộng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Quang cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang cây dược liệu, hiện nay xã đã chuyển đổi được 40 ha từ cây lúa sang trồng cây đinh lăng, theo tính toán trồng đinh lăng cho thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Hiện nay, xã Hải Quang có trên 100 hộ trồng đinh lăng. Các hộ trồng, thu hái đinh lăng đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO để bán cho Công ty cổ phần Traphaco. Với giá trên thị trường hiện nay, cứ 1 sào đinh lăng cho thu nhập 30 - 45 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người dân còn lãi 19 - 21 triệu đồng.
Từ năm 2011 đến nay, xã Hải Lộc đã chuyển đổi trên 4 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dây thìa canh. Đây là loại cây dược liệu quý, thuộc loại dây leo, dễ trồng, có khả năng chịu hạn cao, thích hợp với cả những nơi đất cằn cỗi. Sau khi trồng, nếu chăm sóc tốt, thìa canh có thể cho thu hái trong 5 - 6 năm liền, mỗi năm có thể thu hoạch từ 4 - 5 lần.
Ông Lâm Thanh Vân, một trong những hộ trồng nhiều thìa canh nhất xã Hải Lộc cho biết, năm 2003, gia đình ông được Trường đại học Dược Hà Nội về tiến hành trồng khảo nghiệm cây thìa canh. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, cây thìa canh phát triển tốt, có đầy đủ thành phần chính để điều chế thuốc hạ đường huyết, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Vụ thu hoạch đầu tiên gia đình ông Vân thu lãi gần 30 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, đặc biệt là không mất nhiều công chăm sóc.
Theo ông Cao Đức Thiệp, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, hiện nay diện tích trồng thìa canh tại xã khoảng 8 ha. Xã đã hình thành vùng trồng thìa canh theo tiêu chuẩn thế giới GACP - WHO và được Công ty TNHH Nam Dược thu mua toàn bộ để sản xuất thuốc. Với giá ổn định 35.000 đồng/kg, 1 sào thìa canh thu được từ 1 - 1,2 tạ/lần thu hái, người dân sẽ lãi 14 - 15 triệu đồng/sào/năm, gấp 7 - 8 lần so với trồng lúa.
Huyện Hải Hậu có khoảng 15.000 ha đất nông nghiệp, bên cạnh việc thâm canh 2 vụ lúa, những năm gần đây huyện đẩy mạnh phát triển cây dược liệu. Hiện Hải Hậu có trên 450 ha trồng cây dược liệu gồm: đinh lăng, thìa canh, bạc hà… Đặc biệt, trên địa bàn đã hình thành được một số vùng dược liệu “sạch” được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn khắt khe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Vũ Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, huyện xác định phát triển các loại cây trồng dược liệu là một hướng đi mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
Hiện nay, huyện đã liên kết với các tập đoàn, nhà máy sản xuất thuốc như: Công ty Traphaco, Công ty TNHH Nam Dược để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Huyện đang từng bước mở rộng diện tích, hình thành vùng trồng cây dược liệu tập trung, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các loại cây dược liệu.